Hà Nội đòi Bắc Kinh hủy bỏ tập trận gần Hoàng Sa, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam và báo chí trong nước loan tin hôm thứ Tư 26/8.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, huỷ bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với các phóng viên hôm 26/8, theo trang Thông tin Chính phủ và báo chí Việt Nam.
Phát biểu nêu trên của nữ phát ngôn viên là một phần trong câu trả lời của bà với báo giới, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo này bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, vào đầu năm 1974. Nước Việt Nam thống nhất sau đó, nay mang tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền về quần đảo.
“Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Bà Hằng nói thêm là động thái này của Bắc Kinh cũng “đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Năm nay, Việt Nam là chủ tịch khối ASEAN có 10 thành viên. Khối này nhiều năm nay đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc về COC nhưng hai bên vẫn chưa thể đi đến ký kết.
Như VOA đã đưa tin, Trung Quốc thông báo tập trận kéo dài 6 ngày trong tuần này ở gần quần đảo Hoàng Sa, chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh và Hà Nội thực hiện buổi lễ trang trọng hôm 23/8 để kỷ niệm 20 năm thực thi Hiệp ước Biên giới trên đất liền. Đây là cuộc tập trận thứ hai của Trung Quốc ở gần Hoàng Sa chỉ trong vòng 2 tháng.
Khi Trung Quốc tập trận ở phía bắc Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7, Hà Nội đã nhanh chóng phản ứng, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ này cho hay hôm 2/7 rằng họ đã “giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”.