Đường dẫn truy cập

Việt Nam liệt hai tổ chức hỗ trợ người Thượng hoạt động ở Mỹ là ‘khủng bố’


Người Thượng-Dega ở Mỹ tuần hành tại Washington, DC hôm 1/3 để phản đối chính quyền Hà Nội vi phạm quyền của người dân vùng Tây Nguyên ở Việt Nam.
Người Thượng-Dega ở Mỹ tuần hành tại Washington, DC hôm 1/3 để phản đối chính quyền Hà Nội vi phạm quyền của người dân vùng Tây Nguyên ở Việt Nam.

Bộ Công an Việt Nam hôm 6/3 tuyên bố rằng họ đã xác định hai nhóm chính trị hoạt động ở Mỹ ủng hộ người Thượng vào danh sách các “tổ chức khủng bố”, cáo buộc hai nhóm này dàn dựng các cuộc tấn công cũng như thúc đẩy việc ly khai khỏi nhà nước Việt Nam.

Tuyên bố của Bộ Công an được Báo Chính phủ và các trang tin tức trong nước đăng tải nói rằng Nhóm Hỗ trợ người Thượng (Montagnard Support Group, Inc – MSGI) và Người Thượng vì Công lý (Montagnard Stand for Justice – MSFJ) “đang hoạt động khủng bố tại Việt Nam.”

Bộ Công an, được Báo Chính phủ trích lời nói trong tuyên bố rằng, nhóm MSGI được thành lập ở Mỹ năm 2011 và có trụ sở ở North Carolina trong khi nhóm MSFJ được thành lập ở Thái Lan vào tháng 7/2019 và hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2023.

Nhà chức trách Việt Nam xác định hai nhóm này đã gây ra vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Ktur và Ea Tiêu ở tỉnh Đắk Lắk thuộc Tây Nguyên vào rạng sáng ngày 11/6/2023, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 viên chức công an và 2 cán bộ xã, theo tuyên bố của Bộ Công an được VnExpress trích dẫn.

Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý vào năm ngoái mô tả rằng vụ tấn công do một nhóm người bịt mặt mang theo các loại vũ khí gồm súng và bom xăng thực hiện nhắm vào hai trụ sở chính quyền. Một phiên tòa sơ thẩm tại Đắk Lắk hồi đầu tháng 1 năm nay xét xử 100 người bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công và tuyên án tù chung thân cho 10 người bị kết tội “khủng bố.” Những người khác bị tuyên các án từ 9 tháng đến 20 năm tù về các tội danh bao gồm cả “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.”

Trong tuyên bố hôm 6/3, Bộ Công an nói rằng nhóm MSGI do 2 thành viên, trong đó có ông Y Duen Bdap – nguyên là thành viên tổ chức “Quỹ người Thượng (MFI) ở Mỹ tuyên bố thành lập năm 2011." Nhóm này bị Bộ Công an cáo buộc đã “móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số dùng bạo lực, tiến hành khủng bố, kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang đòi ly khai, tự trị, thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên.”

Còn nhóm MSFJ bị Bộ Công an Việt Nam cáo buộc là đã “tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên” cũng như “tài trợ tiền, chỉ đạo mua sắm vũ khí” để “tiến hành tấn công khủng bố, giết hại cán bộ và người dân” nhằm “thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên.”

Đại diện nhóm MSFJ cho VOA biết hôm 6/3 rằng đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam cáo buộc họ là tổ chức khủng bố và khẳng định rằng các thành viên MSFJ không liên quan gì đến vụ xả súng ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu của huyện Cư Kuin ở Đắk Lắk.

“MSFJ là tổ chức xã hội dân sự nhỏ bé đấu tranh cho nhân quyền, quyền tự do tôn giáo và đất đai cho người dân bản địa ở Tây Nguyên của Việt Nam một cách ôn hòa và hoàn toàn không ủng hộ bạo lực,” đại diện của nhóm nói qua email và xin dấu tên. “Chúng tôi tôn trọng nhân quyền, tôn trọng luật quốc gia và luật pháp Quốc tế và hoàn toàn không có việc thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên và không liên quan gì đến nhóm Hỗ trợ Người Thượng – MSGI, như cáo buộc của nhà nước Việt Nam.”

VOA đã liên lạc với ông Y Duen Bdap, thành viên sáng lập nhóm MSGI, nhưng chưa nhận được phản hồi yêu cầu bình luận trước cáo buộc của Bộ Công an.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc Việt Nam định danh hai tổ chức hoạt động ở Hoa Kỳ là khủng bố.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hồi tháng 7 năm ngoái nói rằng chính phủ Hoa Kỳ phản đối vụ tấn công ở Đắk Lắk và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam để điều tra vụ việc. Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng 1 năm nay nói rằng các cơ quan chức năng trong nước thường xuyên trao đổi với phía Mỹ về vụ tấn công này.

Trả lời VOA hồi cuối tháng 1 trước yêu cầu bình luận về việc Việt Nam cáo buộc các nhóm hoạt động ở Mỹ đứng sau vụ việc, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hoa Kỳ lên án vụ tấn công nhưng kêu gọi Việt Nam “đảm bảo một quy trình pháp lý công bằng và minh bạch.” Người phát ngôn cũng từ chối xác minh có công dân Mỹ liên quan đến vụ tấn công như báo chí do nhà nước Việt Nam quản lý nói khi họ bị đưa ra xét xử.

Người Thượng là một dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của Việt Nam. Nhiều người theo đạo Tin lành đã đứng về phía Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Chính quyền Cộng sản từ lâu đã nhạy cảm với các hoạt động của các nhóm bất đồng chính kiến ở nước ngoài do các thành viên cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại dẫn đầu, và thường gọi họ là “những kẻ phản động”. Đảng Cộng sản cũng duy trì sự kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ và ít khi chấp nhận những lời chỉ trích.

Việt Nam trước đây đã liệt Đảng Việt Tân, một nhóm ủng hộ dân chủ và nhân quyền của Việt Nam có trụ sở ở Mỹ, là “khủng bố.”

Bộ Công an hôm 6/3 cảnh báo rằng bất kỳ ai “tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác, tài tợ, nhận tài trợ, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện; hoạt động theo chỉ đạo của Nhóm Hỗ trợ người ThượngNgười Thượng vì Công lý… là phạm tội ‘Khủng bố’, ‘Tài trợ khủng bố’ và sẽ bị xử lý.”

Trước đó trong ngày 6/3, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố riêng biệt rằng Việt Nam trong tuần qua đã bắt giữ 3 nhà hoạt động nổi tiếng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, trong cái mà tổ chức này gọi là “một làn sóng mới”, và kêu gọi chính quyền thả họ ngay lập tức.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của HRW nói với VOA rằng “chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG