Chính phủ Việt Nam hôm 9/10 cho biết họ đặt mục tiêu đưa hai tuyến cáp quang Internet dưới biển mới vào hoạt động và triển khai mạng di động 5G trên toàn quốc vào cuối năm tới.
Các động thái này là một phần của chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình ký hôm 9/10.
Việt Nam, trung tâm sản xuất-chế tạo trong khu vực, trong những năm qua đã xảy ra tình trạng năm tuyến cáp lớn đang vận hành, vốn đã cũ kỹ, bị mất tín hiệu. Các nguồn tin hồi tháng trước tiết lộ với Reuters rằng Mỹ đã kêu gọi Hà Nội tránh các nhà thầu Trung Quốc xây dựng các tuyến cáp dưới biển mới do lo ngại về an ninh.
Đến năm 2030, toàn bộ dân số đất nước sẽ có thể sử dụng mạng internet cáp quang với tốc độ ít nhất là 1Gbps, theo Chính phủ Việt Nam. Họ cũng nói thêm rằng họ sẵn sàng thử nghiệm các dịch vụ di động 6G vào thời điểm đó.
Chiến lược này cũng bao gồm tham vọng thành lập các trung tâm dữ liệu AI và trung tâm dữ liệu siêu quy mô vào năm 2030, theo tuyên bố của chính phủ.
Các nhà mạng di động Việt Nam đã thử nghiệm mạng 5G trong nhiều năm, nhưng mạng 5G vẫn chưa hoạt động thương mại ở quy mô lớn.
Trước đó, các nguồn tin ẩn danh của Reuters cho biết Mỹ đang thúc giục Việt Nam tránh xa HMN Technologies, công ty lắp đặt cáp của Trung Quốc, trong kế hoạch xây dựng 10 tuyến cáp dưới biển mới từ nay đến năm 2030.
Theo đó, kể từ tháng 1/2024, các quan chức và công ty Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài để thảo luận về chiến lược cáp của quốc gia Đông Nam Á này và cuộc vận động hành lang này ‘diễn ra rất khó khăn’, theo lời một quan chức Việt Nam ẩn danh được Reuters dẫn lại.
Đồng thời, các tuyến cáp quang dưới biển, vốn truyền tải phần lớn dữ liệu của thế giới, đã trở thành trọng tâm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington, do lo sợ Bắc Kinh sẽ do thám, đã từng vận động hành lang thành công để loại HMN Tech khỏi một dự án khác, theo cuộc điều tra của Reuters.
APTelecom, một công ty tư vấn ít được biết đến, đã tham gia vào các cuộc đàm phán để thuyết phục Hà Nội từ bỏ HMN Technologies, Reuters cho biết.
Các quan chức Mỹ và APTelecom đã nói rõ rằng việc lựa chọn các nhà thầu lắp đặt cáp quang ít kinh nghiệm và ít được tiếp cận với các thành phần quan trọng sẽ khiến các công ty Mỹ không muốn đầu tư vào Việt Nam.
Hiện công việc lắp đặt mạng cáp quang toàn cầu chỉ có bốn công ty đảm nhận, đó là SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của Pháp vốn đã hoạt động nhiều thập kỷ trong khi HMN Tech của Trung Quốc chỉ hoạt động từ năm 2008.
Tất cả các tuyến cáp chính dưới biển của Việt Nam đều từng bị mất tín hiệu và hư hỏng - đôi khi xảy ra cùng một lúc - từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Điều này thúc đẩy Hà Nội đặt ra các mục tiêu về cáp biển ở mức độ tham vọng hơn trong năm nay.
Chi phí dự kiến chưa được công bố nhưng nỗ lực này sẽ là một trong những đợt mở rộng cơ sở hạ tầng internet ngầm quan trọng nhất của bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào.
Một quan chức Việt Nam, người được báo cáo về các cuộc đàm phán giữa chính quyền Việt Nam với HMN Tech về các tuyến cáp đã lên kế hoạch, nói rằng các mức giá chào của Bắc Kinh rẻ hơn.
Công ty công nghệ tư nhân hàng đầu của Việt Nam, FPT, nói hồi năm ngoái họ sẽ đầu tư vào một tuyến cáp nhánh nối Việt Nam với một tuyến cáp quốc tế do HMN Tech xây dựng.
Vào tháng 4/2024, công ty viễn thông nhà nước của Việt Nam, Viettel, và Singtel của Singapore đã công bố kế hoạch xây dựng một tuyến cáp mới từ miền nam Việt Nam đến Singapore, tránh việc phải đi qua Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, hồ sơ đấu thầu tuyến cáp đó vẫn chưa được triển khai.
Diễn đàn