Khi hãng đồ chơi khổng lồ LEGO quyết định mở nhà máy mới trị giá 1 tỷ đô la, họ đã chọn Việt Nam để gần với các thị trường lớn của mình ở châu Á. Nhà máy này, vốn được khởi công xây dựng hồi tháng trước, cũng sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO.
Nó sẽ được lắp các tấm pin mặt trời trên mái và có một trang trại năng lượng mặt trời được xây trên khu đất kế bên. Cả hai cơ sở này sẽ cùng nhau sản xuất năng lượng xanh để đáp ứng tối đa nhu cầu hoạt động mỗi năm, hãng đồ chơi Đan Mạch này cho biết.
Khi nó được đưa vào vận hành vào năm 2024, nhà máy này sẽ sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và sẽ có chứng nhận công trình xanh được công nhận trên toàn cầu, LEGO cho biết, góp phần vào nỗ lực cắt giảm lượng khí thải làm Trái đất nóng lên.
Các quốc gia G7, cùng với Na Uy, Đan Mạch và Liên minh châu Âu, đang hy vọng ‘quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng’ (JETP) cho Việt Nam vốn được công bố trong tuần này sẽ giúp quốc gia này thu hút nhiều hơn nữa hoạt động đầu tư nước ngoài ít phát thải carbon.
JETP của Việt Nam là thỏa thuận thứ ba như vậy nhằm giúp các nền kinh tế mới nổi giảm phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng của họ - sau các thỏa thuận tương tự với Nam Phi và Indonesia.
Với việc Việt Nam có tham vọng trở thành trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực, ông John Murton, đặc phái viên của Anh về hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 và tham gia thương thảo JETP, nói rằng mục đích là tránh để tăng trưởng kinh tế làm gia tăng lượng khí thải trong ngành năng lượng mà không được kiểm soát.
Trong ba đến năm năm tới, JETP sẽ giải ngân ít nhất 15,5 tỷ đô la – một nửa trong số này là từ các chính phủ và một nửa từ các ngân hàng thương mại – để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ than đá sang các dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và gió, đồng thời tạo việc làm.
Trong tuần này, ông Murton nói rằng thỏa thuận cho thấy ‘những thay đổi thực sự thực chất’ trong chính sách năng lượng của Việt Nam vốn sẽ giúp nước này đi trên lộ trình khí hậu tốt hơn nhiều’ để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và khuyến khích đầu tư.
“Ngày càng có nhiều hiểu biết và sự nhất trí trong chính quyền Việt Nam rằng hướng tới nền kinh tế phát thải carbon thấp và con đường thẳng tới mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là lợi ích kinh tế của Việt Nam,” ông Murton nói.
Nằm trong số 20 nước sử dụng than đá nhiều nhất thế giới, thỏa thuận năng lượng mới của Việt Nam sẽ chứng kiến lượng khí thải của họ đạt đỉnh vào năm 2030 thay vì mục tiêu trước đó là năm 2035, bằng cách hạn chế công suất điện than và cung ứng gần một nửa lượng điện từ năng lượng tái tạo trong thập kỷ này.
“Đây là bước đi đúng hướng để loại bỏ dần than đá ở Việt Nam và phần còn lại của lục địa châu Á,” bà Sisilia Dewi, Giám đốc châu Á của tổ chức 350.org vốn vận động cho khí hậu, cho biết.
Nhưng bà và các nhà hoạt động khí hậu khác bày tỏ lo ngại rằng các cộng đồng có thể bị bỏ qua bên lề nỗ lực phát triển công nghiệp xanh, trong khi chính phủ Việt Nam đã bị chỉ trích vì họ đã có hành động trừng phạt những nhà hoạt động môi trường.
“Năng lượng là nhu cầu sống còn của người dân và do đó, cần phải có sự tham gia thực sự của người dân vào việc chi tiêu những khoản viện trợ khí hậu lớn này,” Dewi nói.
Tuyên bố chính trị chung về JETP cho biết việc tiếp cận điện phải giữ được giá cả phải chăng và đáng tin cậy cho tất cả mọi người, ‘nhất là đối với những người bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp’.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt được mục tiêu cung cấp điện cho 100% dân số hồi năm 2020.
Nhưng có lo ngại rằng các khoản đầu tư bổ sung cần để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch mới và nâng cấp lưới điện của quốc gia có thể làm tăng thuế quan.
“Trợ cấp trực tiếp cho người nghèo là cần thiết để tạo ra công bằng trong tiếp cận điện,” một chuyên gia khí hậu tại Việt Nam, vốn yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh, cho biết.
Con đường gập ghềnh
Nithi Nesadurai, giám đốc tổ chức vận động Mạng lưới Hành động Khí hậu Đông Nam Á (CANSEA), nói các cuộc đàm phán JETP còn lâu mới suôn sẻ, với những bất đồng về số tiền tài trợ và tỷ lệ lớn là cho vay so với viện trợ, cũng như lo ngại về việc trấn áp các nhà hoạt động môi trường nổi tiếng.
Đầu năm nay, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng của Việt Nam là bà Ngụy Thị Khanh đã bị kết án hai năm tù - một trong số các nhà hoạt động từng bị kết án về tội trốn thuế.
Trong quá trình xây dựng JETP, các quan chức Anh đã gặp gỡ các nhóm xã hội dân sự tại Việt Nam và khuyến khích chính phủ nhận ra tầm quan trọng của các nhóm này trong việc chuyển đổi năng lượng công bằng.
“Có lẽ rủi ro lớn nhất là quá trình chuyển đổi không được một bộ phận xã hội coi là ‘công bằng’,” Sandeep Biswas, thuộc công ty tư vấn quản lý Kearney có trụ sở tại Singapore, nói, đồng thời cho biết thêm rằng ‘đối thoại minh bạch liên tục’ sẽ là nhân tố then chốt giúp cho JETP thành công.
Tuyên bố của JETP lưu ý ‘để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và bình đẳng, cần có sự tham vấn thường xuyên’ - bao gồm tham vấn cả với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác – ‘để đảm bảo đồng thuận xã hội rộng rãi’.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Nesadurai nói rằng các cuộc thảo luận về chuyển đổi năng lượng sạch là cần thiết ở cấp quốc gia, tỉnh và quận huyện để tìm ra làm thế nào để các chính sách năng lượng xanh đem đến lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Cũng như hai thỏa thuận JETP kia, thỏa thuận ban đầu được công bố cho Việt Nam không có nhiều chi tiết. Nhưng nó cho biết ‘kế hoạch huy động nguồn lực’ sẽ được đưa ra vào tháng 11 năm 2023, bao gồm các lựa chọn đào tạo hướng nghiệp và việc làm.
Chi phí năng lượng tái tạo giảm nhanh mang lại ‘cơ hội’ để theo đuổi phát triển bền vững và giải quyết các thách thức như nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, JETP lưu ý.
Thỏa thuận này cũng nêu ra các lĩnh vực kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch, khai thác than, công nghiệp nặng và giao thông vận tải.
Quá trình chuyển đổi xanh cần đi kèm với việc đào tạo các kỹ năng mới, tạo việc làm và có những hỗ trợ khác cho người lao động ‘để họ có thể hưởng lợi từ đổi mới công nghiệp và tạo ra việc làm xanh có chất lượng’, thỏa thuận cho biết thêm.
Chẳng hạn, nhà máy LEGO có kế hoạch tuyển dụng 4.000 người trong 15 năm tới và sẽ đào tạo người bản địa biết cách vận hành thiết bị công nghệ cao, công ty này cho biết.
Tuyên bố JETP nêu bật các cơ hội kinh doanh trong phát triển và triển khai năng lượng gió và mặt trời, truyền tải điện, hiệu suất và lưu trữ năng lượng, và xe điện, cũng như các sản phẩm nông nghiệp ở vùng nông thôn.
Ông Thắng Đỗ, nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho biết Việt Nam có tiềm năng khổng lồ đối với năng lượng mặt trời, trong khi điện gió ngoài khơi là một lựa chọn đầy hứa hẹn khác để thúc đẩy chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo.
Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch đầu tư trong đó xác định các dự án và chúng sẽ được tài trợ như thế nào từ tổng số tiền, Sandeep Pai, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, cho biết.
“Hiện ngân sách được chi tiêu như thế nào vẫn chưa có kế hoạch,” ông nói.
Ông cảnh báo có thể mất ‘nhiều năm’ trước khi các dự án thực sự bắt đầu được triển trên thực địa.
Diễn đàn