Đường dẫn truy cập

Việt Nam phê duyệt tuyến đường sắt 8 tỷ USD kết nối với Trung Quốc


Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút biểu quyết tại phiên họp hôm 19/2 ở Hà Nội.
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút biểu quyết tại phiên họp hôm 19/2 ở Hà Nội.

Quốc hội Việt Nam hôm 19/2 thông qua kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá hơn 8 tỷ USD từ thành phố cảng lớn nhất của miền Bắc đến biên giới với Trung Quốc, dự kiến sẽ thúc đẩy liên kết giữa hai quốc gia láng giềng cùng do Đảng Cộng sản cầm quyền.

Tuyến đường sắt mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2030, sẽ chạy qua một số trung tâm sản xuất chính của Việt Nam, nơi có Samsung, Foxconn, Pegatron và các công ty lớn toàn cầu khác, mà nhiều trong số đó phụ thuộc vào nguồn linh kiện thường xuyên từ Trung Quốc.

Theo truyền thông trong nước, Quốc hội hôm 19/2 biểu quyết đầu tư tuyến đường sắt bắt đầu từ Lào Cai đi qua thủ đô Hà Nội tới Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, với số phiếu tán thành là 455/459.

Tuyến đường dài hơn 390km sẽ đi qua 9 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, theo báo Tin tức của TTXVN. Điểm đầu của tuyến đường là tại vị trí nối ray qua biên giới Việt-Trung ở tỉnh Lào Cai và điểm cuối là tại ga Lạch Huyện ở thành phố Hải Phòng.

Cũng ghi nhận về việc thông qua của Quốc hội, VnExpress cho biết nguồn vốn dự án từ ngân sách bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn hợp pháp khác. Các cơ quan lập pháp sẽ nghiên cứu khả thi trong năm nay và phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.

Trong khi đó theo Reuters và AFP, Trung Quốc sẽ cung cấp một số khoản tài trợ thông qua các khoản vay cho dự án hơn 8 tỷ USD này.

“Tuyến đường sắt này cung cấp một kết nối chiến lược với Trung Quốc vì nó cũng sẽ đi qua vùng đất giàu khoáng sản và đất hiếm,” TS Nguyễn Hùng, một chuyên gia về quản lý logistics và chuỗi cung ứng của Đại học RMIT Việt Nam, nói với Reuters.

Đây là một trong 2 tuyến đường sắt đến Trung Quốc mà Việt Nam có kế hoạch triển khai như một phần trong sáng kiến Hai hành lang, Một vành đai của mình, kết nối với chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/2 cho biết rằng hai nước đang “hợp tác để đẩy nhanh việc xây dựng tuyến kết nối” giữa Lào Cai và thành phố Hà Khẩu ở biên giới của Trung Quốc, theo AFP.

Hãng tin Pháp trích lời người phát ngôn Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc và Việt Nam đã “có nhiều cuộc thảo luận về việc thúc đẩy kết nối đường sắt” nhưng đề nghị các phóng viên tìm đến “các cơ quan có thẩm quyền” để biết thêm chi tiết.

Kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được thông qua chỉ hơn một năm sau khi Việt Nam và Trung Quốc cam kết trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng hai bên sẽ tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Hà Nội.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về chủ trương đầu tư dự án, được Tin tức trích dẫn, việc xây dựng tuyến đường sắt này “nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” cũng như “bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết vào tuần trước rằng tuyến đường sắt này sẽ “thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước cũng như trong khu vực.”

Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến được ưa chuộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm một giải pháp thay thế Trung Quốc, nhưng cở sở hạ tầng chất lượng thấp được coi là đang kìm hãm sự gia tăng đầu tư.

Tuyến đường này được phê duyệt chỉ 3 tháng sau khi Việt Nam thông qua kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam trị giá 67 tỷ USD từ Hà Nội đến TPHCM, được xem là một động lực khác rất cần thiết để nâng cao cơ sở hạ tầng vốn dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuyến đường dài hơn 1.500km đó sẽ rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường sắt hiện tại từ 30 giờ xuống còng khoảng 5 giờ.

Trong ngày 19/2, Quốc hội Việt Nam cũng phê duyệt mục tiêu đề xuất của chính phủ là tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay, tăng so với mục tiêu trước đó là 6,5%-7%, theo truyền thông trong nước.

Một tuyến đường sắt khác đến Trung Quốc – kết nối Hà Nội với tỉnh Lạng Sơn, giáp vùng Quảng Tây của Trung Quốc – vẫn chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua. Hai nước đã ký hơn 30 thỏa thuận, bao gồm cả cam kết phát triển tuyến đường sắt kết nối Việt-Trung, trong chuyến thăm Hà Nội của ông Tập hồi tháng 12/2023.

Việt Nam từ lâu đã theo đuổi các tiếp cận “ngoại giao cây tre” trong nỗ lực duy trì mối quan hệ với hai cường quốc đối nghịch là Trung Quốc và Mỹ. Dù chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông có nhiều tranh chấp, nhưng Việt Nam lại có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, một nước láng giềng và cũng là ‘anh em’ cùng hệ tư tưởng cộng sản của họ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG