Đường dẫn truy cập

Việt Nam phê duyệt vaccine của Trung Quốc. Người dân sẽ tiêm?


Người dân Trung Quốc chờ tiêm vaccine Sinopharm tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh hôm 2/6. Bộ Y tế Việt Nam vừa phê duyệt cho sử dụng vaccine Trung Quốc trong lúc nhiều người dân trong nước không muốn tiêm loại vaccine này.
Người dân Trung Quốc chờ tiêm vaccine Sinopharm tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh hôm 2/6. Bộ Y tế Việt Nam vừa phê duyệt cho sử dụng vaccine Trung Quốc trong lúc nhiều người dân trong nước không muốn tiêm loại vaccine này.

Bộ Y tế Việt Nam vừa phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất trong lúc có nhiều người dân bày tỏ nghi ngại về vaccine của Sinopharm và đề nghị rằng loại vaccine này nên được tiêm cho các “cán bộ cao cấp” trước.

Truyền thông trong nước cho biết Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine do Hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất cho việc sử dụng ở Việt Nam “do nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.”

Đây là vaccine thứ 3 được Bộ Y tế phê duyệt, sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga.

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine của Trung Quốc giữa lúc quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới và gần 20 trường hợp tử vong vì COVID-19 kể từ khi đợt bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4, được xem là nguy hiểm nhất, bắt đầu từ ngày 27/4, trong khi mới chỉ có hơn 1% người dân Việt Nam được tiêm vaccine chống virus này, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại châu Á.

Tuy vậy, theo quan sát của VOA tiếng Việt, nhiều người bày tỏ nghi ngại về vaccine của Trung Quốc.

“Phản ứng của người dân trong nước là hầu hết những người mà tôi biết thì họ không tích tiêm vaccine Trung Quốc,” ông Nguyễn Như Phong, một người đang điều hành hai công ty truyền thông tại Hà Nội, nói và cho biết rằng nguyên nhân của việc mà ông gọi là “một sự bất tín vạn sự bất tin” xuất phát từ việc người dân Việt Nam nhận thấy “người Trung Quốc sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng nhái” và “chất lượng hàng hoá của Trung Quốc không được đảm bảo.”

“Người Việt Nam nói chung không thích sản phẩm của Trung Quốc,” anh Nguyễn Văn Nam, một người kinh doanh thuốc và các vật dụng y tế ở Hà Nội cho biết và nói rằng anh không nhập các sản phẩm của Trung Quốc vì lo ngại về chất lượng. “Bản thân tôi cũng sẽ không tiêm vaccine Trung Quốc.”

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm kèm theo 9 điều kiện, theo Thanh Niên, trong đó vaccine của Trung Quốc được phê duyệt “dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế, tính đến ngày 29/5.”

Trích dẫn thông tin từ Bộ Y tế, Tuổi Trẻ cho biết vaccine của Trung Quốc đã được 41 nước phê chuẩn cấp phép khẩn cấp và dù tỷ lệ miễn dịch đang tiếp tục được theo dõi nhưng về “an toàn thì đảm bảo.”

Mặc dù vậy, nhiều người dùng mạng xã hội nói họ không muốn tiêm loại vaccine này của Trung Quốc. Một người dùng Facebook có tên Nguyễn Mỹ nói: “Tôi thà chết chứ không chơi hàng Tàu.” Một người dùng khác có tên Vu Lan Anh nói: “Kể cả 100 điều kiện thì (gia đình) tôi cũng (không) tiêm, kể cả cho không.”

Vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt hôm 7/5. Được biết Trung Quốc đã triển khai hàng trăm triệu liều vaccine Sinopharm và Sinovac, một loại vaccine khác của Trung Quốc cũng đã được WHO phê duyệt, cho sử dụng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.

Reuters hôm 27/5 dẫn kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa của Mỹ có tên gọi “The Journal of the American Medical Association” cho thấy, sau khi tiêm liều thứ hai ít nhất hai tuần, vaccine của Sinopharm có hiệu quả 72,8% đối với việc ngăn chặn COVID-19. Hãng tin Anh nói rằng mức này cao hơn đôi chút so với tỷ lệ 72,5% mà công ty của Trung Quốc công bố hồi tháng 2 năm nay.

Tư tưởng bài Trung của người dân Việt Nam đã tăng cao trong những năm gần đây, khi hai nước ngày càng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông cùng với ảnh hưởng của các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong tới những nước ở hạ lưu, bao gồm có Việt Nam. Cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak đưa ra trong năm nay cho thấy hầu hết những người Việt Nam được hỏi không công nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với khu vực trong đại dịch. Cũng trong khảo sát này, những người Việt Nam, gồm cả quan chức chính phủ và giới học thuật cũng như kinh doanh, hầu hết không tin tưởng vào Trung Quốc.

Theo Tuổi Trẻ, hiện Việt Nam chưa đặt mua loại vaccine của Trung Quốc nhưng Việt Nam được phía Trung Quốc tặng loại vaccine này và số lượng tặng chưa được thông báo.

“Quan điểm của hội đồng là an toàn là trên hết, dữ liệu an toàn đủ, Tổ chức Y tế Thế giới dựa trên dữ liệu khoa học, mình ở trong nước dựa vào tổ chức khoa học như vậy,” một thành viên không được nêu tên của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm của Bộ Y tế, cho Tuổi Trẻ biết.

Nhiều người, trong đó có ông Phong, đề nghị rằng vaccine Trung Quốc nếu được nhập nên được sử dụng cho các “cán bộ cao cấp” của chính phủ và Bộ Y tế trước tiên. Theo ông Phong, “quan chức chính phủ nên gương mẫu trong việc này” nếu họ muốn sử dụng vaccine của Trung Quốc.

Trước đợt bùng phát mạnh nhất trong cộng đồng từ trước tới nay, chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy việc đàm phán mua vaccine chống COVID cũng như tìm cách được chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine trong nước. Bộ Y tế hôm 3/6 cho biết cả nước sẽ có 120 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn trong năm nay và đang dần tiến đến mục tiêu “mua đủ 150 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số.”

Anh Nam cho rằng, với mục tiêu này, có loại vaccine nào, dù đó là của Trung Quốc, thì cũng phải dùng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG