Chính phủ Việt Nam hôm 18/10 cho biết họ sẽ phê chuẩn hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi vào năm ngoái vì lo ngại công nhân Mỹ mất việc làm.
Mười một thành viên còn lại đã nhất trí tiếp tục theo đuổi hiệp định này với một phiên bản chỉnh sửa sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rút lui và đổi tên thành hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong ngày làm việc cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/10 cho biết ủy ban này sẽ cho ý kiến trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này.
Theo quy trình, sau khi Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10 và kéo dài tới giữa tháng 11.
Trước đó, trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm Nhật hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều khả năng CPTPP sẽ hoàn tất trong năm nay.
“Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai”, ông Phúc nói.
Về khả năng mở rộng CPTPP, Thủ tướng Phúc cho biết, Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước đối tác (như Anh, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc).
Vào tháng 3, chính phủ Thái Lan đã ngỏ ý muốn tham gia hiệp định này nhưng hiện đang vấp phải phản đối từ một số tổ chức dân sự trong nước.
Thủ tướng Nhật trong tháng này nói ông sẽ “dang rộng cánh tay” chào đón Anh tham gia hiệp định này trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang tiến gần tới việc hoàn tất các bước để ra khỏi Liên minh châu Âu.
Tháng trước, Việt Nam và Nhật – hai nước vận động tích cực để TPP-11 được tiếp tục – thúc giục Mỹ quay trở lại hiệp định thương mại. TPP khi còn có 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ, bao trọn 40% kinh tế toàn cầu. Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP do sự tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ.
Hiệp định mới CPTPP, với 11 thành viên, chỉ chiếm 13,5% kinh tế toàn cầu.
CPTPP được ký kết tại Santiago, Chile, hồi tháng 3 năm nay. Mười nước thành viên khác trong hiệp định bao gồm: Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Úc.
Theo Bộ Công thương, CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây và sẽ tác động đến Việt Nam trên rất nhiều khía cạnh như chính trị, đối ngoại và kinh tế.
Việt Nam kỳ vọng hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bàn, Úc, Canada, Mexico cũng như thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển.