Không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ra tín hiệu mở ngỏ khả năng tái gia nhập TPP, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc muốn mở rộng một phiên bản mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới Hoa Kỳ và những nước khác.
Trả lời phỏng vấn của tờ Nikkei và Financial Times hôm 26/3, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói “tất cả các nền kinh tế thành viên sẽ hưởng lợi” khi Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định này. Ông Phúc cho rằng đó sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng “trong khu vực và trên toàn thế giới.”
(TPP) sẽ là một đòn bẩy rất tốt để Mỹ tiếp cận vào các thị trường ở ASEAN bởi vì bản thân Việt Nam là một thị trường khá lớn trong ASEANTrần Toàn Thắng, TS kinh tế
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu tiến trình đàm phán hiệp định TPP nguyên thủy có sự tham gia của 12 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên ngay khi lên nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định nguyên thủy của 12 nước chiếm 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới. Ông Trump nêu lý do rút khỏi TPP là vì muốn muốn bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.
Mười một nước thành viên còn lại, trong đó có Việt Nam, đã ký kết một hiệp định sửa đổi có tên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), còn gọi là TPP-11, hôm 8/3.
Tuy nhiên ngay trước khi TPP-11 được ký ở Chile, đã có những tiếng nói từ trong nước Mỹ, kêu gọi chính quyền của ông Trump nên xem xét lại quyết định đó. Tháng trước Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Steve Mnuchin cho biết Tổng thống Trump vẫn mở ngỏ khả năng tái gia nhập TPP.
Thủ tướng Phúc cho Nikkei và Finacial Times biết “nếu Hoa Kỳ không tham gia, CPTPP vẫn tiếp tục và sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế thành viên.” Nhưng người đứng đầu chính phủ Việt Nam vẫn hy vọng Washington có thể trở lại tham gia TPP.
Trong hiệp định TPP có sự góp mặt của Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ “hiệp định thương mại bậc nhất của thế kỷ 21” theo lời cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định với VOA rằng “khi có Mỹ thì Việt Nam lợi hơn rất nhiều” với tăng trưởng trong cả thương mại và nền kinh tế.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các thành viên TPP. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ với kim ngạch thương mại 2 chiều lên tới 52.3 tỷ USD vào năm 2016, theo thống kê của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ.
...Rất khó có một cơ chế hữu hiệu để đưa ra một hiệp định có lợi hơn (cho phía Mỹ). Không có một hiệp định tốt hơn thì làm sao quốc hội thông qua và làm sao hiệp định này được công chúng Mỹ đón nhận dưới thời chính quyền Trump.Greg Poling, nhà nghiên cứu của CSIS
Cuối tháng 1 tại diễn đàn kinh tế toàn cầu ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Trump đã nói bóng gió rằng ông sẽ xem xét việc tái gia nhập TPP nếu nó thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ.
Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, phó giám đốc Ban Môi trường Kinh doanh và Cạnh tranh của CIEM, cho rằng Mỹ cũng sẽ hưởng lợi nếu trở lại TPP vì sẽ có “môi trường đầu tư thuận lợi hơn.”
“Nó sẽ là một đòn bẩy rất tốt để Mỹ tiếp cận vào các thị trường ở ASEAN bởi vì bản thân Việt Nam là một thị trường khá lớn trong ASEAN,” theo TS Thắng.
Bài xã luận của Detroit News ra hôm 27/3 mô tả quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Trump là “một quyết định tồi” và cho rằng “TPP hứa hẹn tạo ra một liên minh thương mại mạnh mẽ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương.” Tờ tin tức của Detroit nhận định rằng hiệp định này đặc biệt có lợi cho Hoa Kỳ khi nó giúp các nhà xuất khẩu Mỹ “tiếp cận tốt hơn các nền kinh tế đang lớn mạnh, và giúp giảm sự phụ thuộc của các nước đó vào Trung Quốc.”
Nhật Bản cũng khuyến khích Tổng thống Trump trở lại với TPP như một phương cách để lấy lại được sức mạnh trước Trung Quốc.
Tuy nhiên một chuyên gia của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nói ông không mấy lạc quan về triển vọng Mỹ quay lại với TPP trong tương lai gần.
"Rất nhiều điều kiện do Mỹ đòi hỏi đã bị treo lại để TPP-11 được thông qua," Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của CSIS, nói với VOA. "Do đó rất khó có một cơ chế hữu hiệu để đưa ra một hiệp định có lợi hơn (cho phía Mỹ). Không có một hiệp định tốt hơn thì làm sao quốc hội thông qua và làm sao hiệp định này được công chúng Mỹ đón nhận dưới thời chính quyền Trump.”
TPP-11 còn gồm Canada và Mexico – 2 nước láng giềng của Hoa Kỳ - và một số nền kinh tế tự do khác quanh vành đai Thái Bình Dương và Nam Mỹ.