Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa lên tiếng rằng Việt Nam sẽ “thúc đẩy” chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan tới Việt Nam. Chuyến thăm được dự kiến thực hiện hồi tháng 3 nhưng Hà Nội phải hoãn do “chuyện nội bộ”.
“Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan trong thời gian tới”, truyền thông Việt Nam loan tin hôm 23/5 khi tường thuật cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte diễn ra vào chiều ngày hôm trước.
Hồi tháng 3, nhận lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam khi ấy là ông Võ Văn Thưởng, Vua và Hoàng hậu Hà Lan sắp lên đường thăm Hà Nội thì đột ngột chuyến đi bị hoãn.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima theo lời mời của ông Thưởng vốn dự kiến diễn ra từ ngày 19-3 đến 22-3-2024. Tuy nhiên, chuyến đi này đã bị hủy theo yêu cầu của phía Việt Nam mà lý do được nêu ra là vì “chuyện nội bộ”, theo thông cáo của Hoàng gia Hà Lan.
Hôm 15/3, báo giới Hà Lan dẫn lời Vua Willem-Alexander nói rằng ông “hoàn toàn bất ngờ” và “không hề biết lý do” vì sao chuyến thăm Việt Nam lại bị hoãn.
Báo De Telegraaf của Hà Lan trích lời hà vua Hà Lan nói rằng phải chờ xem lý do hoãn chuyến thăm là gì nhưng ông “tôn trọng” quyết định của Việt Nam “vì họ có thể có những lý do rất cấp bách trong nội bộ đất nước”.
Vài ngày sau đó thì truyền thông Việt Nam đưa tin ông Thưởng nộp đơn từ chức. Người kế nhiệm hiện nay là Đại tướng Tô Lâm, cựu Bộ trưởng Bộ Công an.
Giới quan sát nhận định với VOA rằng việc chuyến thăm cấp nhà nước của Hoàng gia Hà Lan đến Việt Nam buộc phải hủy vào phút chót do “tình hình nội bộ” của Hà Nội sẽ để lại một tiền lệ xấu trong nền ngoại giao Việt Nam và ảnh hưởng đến uy tín của giới lãnh đạo Cộng sản trong cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc điện đàm hôm 22/5, ông Chính đề nghị Hà Lan sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); thúc đẩy Uỷ ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với việc khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng Việt Nam còn đề nghị người đồng cấp Hà Lan hỗ trợ Việt Nam triển khai quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung.
“Chúng tôi cũng thảo luận về những diễn biến địa chính trị, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine và tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Rutte viết trên trang X sau cuộc điện đàm.
Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của châu Âu ở Việt Nam. Ngoài ra, nước này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất giáo dục đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu…, theo truyền thông Việt Nam.
Diễn đàn