Đường dẫn truy cập

Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, cam kết đóng vai trò ‘tích cực, có trách nhiệm’


Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức kỳ rà soát UPR đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Photo UN Web TV.
Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức kỳ rà soát UPR đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Photo UN Web TV.

Chính quyền Việt Nam hôm 19/12 nhắc lại rằng họ muốn tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028, đồng thời hứa tiếp tục đóng vai trò “tích cực và có trách nhiệm” cho “nỗ lực chung” về nhân quyền. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội ngày 19/12, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết rằng hôm 12/12 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tuyên bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028.

Bà Hằng ca ngợi những “nỗ lực mạnh mẽ và thành tựu nổi bật trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền” của Việt Nam khi nước này là thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, “với nhiều dấu ấn, sáng kiến với tinh thần: tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người trên 8 lĩnh vực ưu tiên, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, theo truyền thông trong nước.

Việt Nam cũng đã “tích cực hoàn thành” trách nhiệm thành viên, trong đó đã tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV và đón Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển vào thăm Việt Nam, vẫn lời bà Hằng.

“Tôi xin nhấn mạnh việc ứng cử của Việt Nam là khẳng định sự tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”, Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời bà Hằng nhấn mạnh.

Ngoài ra, nữ phát ngôn viên còn bày tỏ sự tin tưởng rằng với “những thành công đã đạt được”, các nước sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử vào nhiệm kỳ sắp tới.

“Chúng tôi cam kết sẽ phát huy vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của HĐNQ LHQ và bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới”, bà Hằng khẳng định.

Trước đó, hồi tháng 2/2024, truyền thông nhà nước đưa tin Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã tuyên bố ý định của Việt Nam muốn tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.

Bất chấp tuyên bố của các quan chức ngoại giao Việt Nam, nước này vẫn bị xếp hạng kém trong mọi bảng xếp hạng về quyền dân sự và chính trị, tự do báo chí và tự do ngôn luận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Hà Nội bác bỏ các báo cáo cho rằng họ vi phạm nhân quyền.

Trong một báo cáo công bố ngày 19/12/2024, tổ chức CIVICUS, một nhóm phi lợi nhuận theo dõi xã hội dân sự toàn cầu, đã xếp Việt Nam là một trong 8 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có không gian dân sự khép kín, nghĩa là nhà nước không tôn trọng các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, hội họp và lập hội.

Theo một báo cáo năm 2024 của Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam bị “hạn chế chặt chẽ”, đồng thời chính quyền ngày càng trấn áp việc người dân sử dụng mạng xã hội và internet để thể hiện sự bất đồng chính kiến và chia sẻ thông tin không bị kiểm duyệt.

Đến nay, Việt Nam đã hai lần đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ đầu tiên 2014-2016 và nhiệm kỳ thứ hai 2023-2025.

Như tin đã đưa, trước cuộc bỏ phiếu ở nhiệm kỳ thứ hai, hàng loạt các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế, Article 19, Theo dõi Nhân quyền lên tiếng yêu cầu quốc gia cộng sản phải có những cải thiện đáng kể về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Việt Nam muốn tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:33 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG