Công an Việt Nam đang truy nã 7 cựu lãnh đạo ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên quan đến vụ lừa đảo trái phiếu Vạn Thịnh Phát sau khi ra lệnh khởi tố các nghi phạm nhưng không biết tung tích họ ở đâu, theo truyền thông trong nước.
Trong vụ lừa đảo được xem là “chưa từng có” ở Việt Nam, Bộ Công an xác định rằng tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu. Chủ tịch tập đoàn, bà Trương Mỹ Lan, đã bị công an bắt hồi tháng 10 năm ngoái về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Bộ Công an hôm 29/10 cho biết rằng cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với 7 bị can, trong đó có hai chủ tịch SCB và hai người có quốc tịch nước ngoài, trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức, đơn vị liên quan, theo Cổng TTĐT Chính phủ.
Bộ này nói rằng họ đã ra quyết định khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam các bị can vào ngày 25/10 về các tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. Nhưng vì các bị can đã bỏ trốn hoặc không biết rõ họ đang ở đâu nên Bộ Công an ra quyết định truy nã, theo Tuổi Trẻ và VnEconomy.
Trong số 7 bị can bị truy nã mà Cổng TTĐT Chính phủ và các báo trong nước công bố danh tính, có hai nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB, bà Nguyễn Thị Thu Hương và ông Đinh Văn Thành.
Ngoài ra còn có nguyên Phó Tổng giám đốc SCB Chiêm Minh Dũng và 3 cựu thành viên HĐQT, Trầm Thích Tồn, Sun Henry Kaziang và Lam Lee George. Ông Sun Henry mang quốc tịch Trung Quốc còn ông Lam Lee mang quốc tịch Canada.
Người thứ 7 bị truy nã trong vụ án này là nguyên Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành của SCB, ông Nguyễn Lâm Anh Vũ.
Cơ quan công an kêu gọi những người này “tự giác ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa” của mình khi bị xét xử, theo Cổng TTĐT Chính phủ.
Theo luật của Việt Nam, hành vi vi phạm hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản đều có khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái đánh giá rằng vụ án tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát mang tính chất “đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có”. Theo báo chí trong nước lúc đó đưa tin, có đến 762 công ty liên quan bị đóng băng tài sản trong vụ án này.
Điều tra của công an cho thấy Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bà Lan, và các đối tượng liên quan tại các công ty con của tập đoàn này đã lập ra 25 gói trái phiếu với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua, tức các trái chủ, nhằm huy động tiền và chiếm đoạt của họ trong thời gian từ 2018 đến 2020.
Bộ Công an hồi tháng 3 năm nay cho biết, họ đã bắt giam 5 bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã từng tiến hành thanh tra ngân hàng SCB, theo Tuổi Trẻ. Trong số đó có Cục trưởng Cục Thanh tra Đỗ Thị Nhàn, người bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra hồi đầu tháng này nói rằng họ “đang dùng mọi biện pháp để triệt đề thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.” Trong khi đó một số nạn nhân của vụ lừa đảo trái phiếu này nói với VOA rằng họ vẫn mòn mỏi chờ đợi kết luận điều tra với hy vọng sớm lấy lại được tiền.
Diễn đàn