Trước vụ việc việc các thương hiệu thời trang sử dụng bản đồ ‘đường lưỡi bò’, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ở đây phải tuân theo quy định của pháp luật nước sở tại, trong đó nghiêm cấm các nội dung trái với “thực tế về chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu bình luận về việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có “đường chín đoạn” trên trang web bản tiếng Trung Quốc trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm 8/4.
Hồi đầu tháng này đông đảo người dùng mạng xã hội ở Việt Nam kêu gọi tẩy chay hãng thời trang Thuỵ Điển H&M trước thông tin Bắc Kinh đã thành công trong việc buộc hãng này tuân thủ yêu cầu sửa “bản đồ có vấn đề” liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc.
“Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông,” bà Hằng nói trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
“Mọi hình thức tuyên truyền, quảng báo những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông,” bà Hằng nói.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tuyên bố này chồng chéo với một số nước khác trong khu vực, như Đài Loan và Philippines, khi cũng tuyên bố một phần trong vùng Biển Đông đầy tranh chấp.
Trung Quốc đưa ra bản đồ đường chín đoạn vào năm 2009 trong các tài liệu gửi lên Liên Hợp Quốc trong một vụ tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông với “đường lưỡi bò” này của Bắc Kinh đã bị toà quốc tế ở La Haye bác bỏ trong vụ kiện của Philippines năm 2016.
Bà Hằng lặp lại tuyên bố như đã nhiều lần đưa ra trước đây rằng Việt Nam có “đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Cũng tại buổi họp báo hôm 8/4, khi được yêu cầu bình luận về triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam có lãnh đạo mới, người phát ngôn BNG đề cập đến “chủ trướng, chính sách, đường lối đối ngoại” của Việt Nam như đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa kết thúc đầu tháng 2. Bà Hằng cho biết Việt Nam sẽ “kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.”
Bà Hằng nhấn mạnh “cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ của Việt Nam, sẽ triển khai đường lối đối ngoại theo hướng này.”