Đường dẫn truy cập

Viết sách ở hải ngoại


Viết sách ở hải ngoại
Viết sách ở hải ngoại

Có lẽ một số bạn đọc tò mò: Không biết ở hải ngoại người ta viết lách thế nào?

Xin trả lời một cách ngắn gọn: Nói chung, so với các đồng nghiệp trong nước, giới cầm bút Việt Nam ở hải ngoại, về phương diện đời sống, có lẽ ít nhiều thoải mái và ổn định hơn; nhưng về phương diện viết lách, có lẽ có nhiều khó khăn hơn.

Khó khăn lớn nhất và nan giải nhất là thì giờ.

Ở trong nước, nhất là thời bao cấp, có nhiều nhà văn và nhà thơ hầu như không làm bất cứ thứ gì khác ngoài chuyện viết lách. Lãnh đạo: không; quản lý: không, tất cả thì giờ đều dành cho việc viết lách. Như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, v.v... Một số người khác thì làm trong các viện nghiên cứu hay trong các tờ báo hoặc nhà xuất bản, nói chung, công việc cũng rất gần gũi với viết lách. Và thì giờ rảnh chắc là nhiều.
Sau này, thời bao cấp đã qua, giới cầm bút phải làm việc nhiều hơn. Nhưng họ vẫn có khá nhiều thuận lợi. Với lượng báo chí khổng lồ, cả năm bảy trăm tờ, và khối độc giả tiềm năng to lớn, cả mấy chục triệu, một số người có thể sống ung dung bằng nhuận bút. Chỉ bằng nhuận bút.

Ở miền Nam, trước năm 1975, cũng có nhiều người có thể sống hẳn bằng nhuận bút. Đọc tiểu sử của những người như Mai Thảo, Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Hiến Lê..., chúng ta thấy hầu như họ không làm gì ngoài việc viết lách. Viết toàn thời. Trong cuốn Đời viết văn của tôi, Nguyễn Hiến Lê kể ông viết văn như một công chức. Ngày nào cũng thức dậy lúc 6 giờ sáng. Ăn sáng, đọc sách báo, rồi viết. Ăn trưa xong, ngủ một giấc ngắn rồi dậy viết tiếp. Ngày nào cũng thế. Viết xong một cuốn sách lại đi Long Xuyên nghỉ ngơi với bà vợ thứ hai một, hai tuần gì đó. Về Sài Gòn, lại viết tiếp theo nhịp điệu cũ. Hằng ngày. Như một công chức mẫn cán.

Ở hải ngoại, theo chỗ tôi biết, không có bất cứ người nào có thể sống được bằng nhuận bút. Có một số người sống bằng nghề làm báo, chủ yếu là làm chủ báo. Nhưng không ai sống được bằng nhuận bút. In bài trên các tạp chí văn chương: Không có nhuận bút. In bài trên các tờ báo thương mại: Có thể có, nhưng nếu có, thường rất hoạ hoằn và cũng rất khiêm tốn, ít khi nào được trên 100 đô một bài. Ngay cả như vậy, cũng ít có nhà văn hay nhà thơ nào mặn mà với việc viết bài cho các tờ báo thương mại. Thường, họ làm một việc gì khác để kiếm sống. Phần lớn các nghề ấy đều rất xa văn chương. Người thì làm bác sĩ; người thì làm về kỹ thuật; người thì kinh doanh; người thì làm nhân viên trong các công ty bảo hiểm, du lịch; người thì làm thợ trong các hãng xưởng, v.v... Một số đi dạy học, nhưng các môn họ dạy nhiều khi chẳng dính dáng gì đến văn chương, nhất là văn chương Việt Nam: người thì dạy toán; người thì dạy kinh tế; người thì dạy chính trị học, v.v...

Không thể sống bằng nghề cầm bút, các nhà văn và nhà thơ ở hải ngoại cũng không thể xem việc viết lách là nghề tay trái. Nói đến “nghề tay trái” là nói đến thu nhập phụ. Nhưng viết lách không mang lại lợi tức gì cả. Đó không phải là một “nghề”. Thực chất, đó chỉ là một “hobby”, một trò giải trí phi lợi nhuận. Vậy thôi.

Viết như một hobby có cái lợi là tự do. Hoàn toàn tự do. Thích thì viết; không thì thôi. Chẳng có ai thúc ép cả. Và cũng chẳng bị áp lực gì cả, từ áp lực chính trị đến áp lực dư luận và thị trường. Nhưng thử thách chính, như đã nói ở trên, là thì giờ. Người ta chỉ viết được ngoài giờ làm việc. Ở cuối bộ Mùa biển động cũng như trong bài “Viết văn ngoài quê hương” đăng trên tạp chí Việt số 2 (1998), nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết, trừ tập đầu được viết trên đảo tị nạn, lúc ông mới rời Việt Nam, các tập kế tiếp của bộ Mùa biển động dày trên 1800 trang đều được viết ở Mỹ, lúc ông làm việc toàn thời cho công ty niên giám điện thoại GTE Directories. Ông làm ca chiều và tối, từ ba giờ rưỡi đến 12 giờ khuya. Để tránh bị quấy nhiễu bởi các cú điện thoại tán gẫu của bạn bè, ngay từ sáng ông đã rời nhà, lái xe đến công viên El Dorado thuộc thành phố Long Beach, California, ngồi viết. Viết trên xe. Trưa, ăn hộp cơm mua từ một tiệm Nhật gần đó, rồi viết tiếp. Viết đến giờ đi làm. Cứ thế, suốt cả mấy năm trời. Miệt mài.

Nhà văn Võ Phiến thì làm việc ở Sở hưu bổng thành phố Los Angeles cho đến ngày về hưu. Ông kể ông thường viết giữa hai công việc. Rảnh, ông lại lôi giấy ra viết. Có việc, ông lại xếp mấy tờ giấy ấy lại, lại mê mải cộng trừ nhân chia với những con số vô hồn để kiếm sống.

Bạn tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn, cũng thế. Anh dạy nhạc. Anh viết trong các giờ giải lao. Nhiều lúc, lúc đám học trò ngồi tập đánh đàn, anh lôi laptop ra viết hay dịch cái gì đó. Thỉnh thoảng dừng lại, dặn dò học trò một lát, rồi lại viết hay dịch tiếp. Vậy mà anh cũng viết và dịch được cả khối truyện và thơ. Tối, sau khi vợ con đi ngủ hết, anh lại ngồi vào bàn làm việc đến 2,3 giờ sáng. Nếu không viết thì dịch; nếu không dịch thì đọc và chọn bài để đưa lên tờ báo mạng Tiền Vệ. Anh em, bạn bè của anh không ai ngạc nhiên khi nhận được email anh gửi lúc 2, 3 giờ sáng cả. Có khi còn muộn hơn nữa. Tối nào cũng thế. Cũng thức. Cũng, trong khuya khoắt, một mình lui cui với chữ nghĩa.
Anh gọi đó là hobby. Nhưng nhiều người thì gọi đó là một cuộc hành xác.

Bản thân tôi, từ lúc định cư hải ngoại, trừ mấy năm làm báo ở Paris, chỉ làm một nghề duy nhất là dạy học. Dạy đại học có cái sướng là thì giờ lên lớp ít, trung bình mỗi tuần 10 tiếng; mỗi học kỳ chỉ có 12 tuần; và mỗi năm chỉ có hai học kỳ. Nhưng dạy đại học không phải chỉ có việc lên lớp. Chỉ riêng ở khía cạnh dạy, bên cạnh ngoài việc lên lớp, còn phải soạn bài và chấm bài cũng mất rất nhiều thì giờ. Ngoài việc dạy, mọi người còn phải tham gia các dự án nghiên cứu và một số công việc hành chính trong Khoa hoặc trong Đại học. Rồi phải hướng dẫn các sinh viên hậu đại học làm luận án. Rốt cuộc, thì giờ để ngồi viết những thứ mình thích cũng rất ít. Thường, mỗi tuần, tôi dành hẳn một ngày, gọi là “Research Day”, để viết. Mọi giảng viên và giáo sư đều có thể thu xếp một ngày “Research” như thế trong tuần. Ngày đó không lên lớp và cũng không họp hành gì cả. Chỉ để đi thư viện hay ngồi viết.

Đó là trên nguyên tắc. Ai đã từng cầm bút hẳn cũng đều biết một điều: viết như bị ma ám, khó có thể theo đúng một giờ giấc nhất định nào. Khi không có đề tài hay không có hứng, thì giờ thừa mứa đến mấy cũng không viết được. Ngược lại, khi đã có hứng thì không thể khất lại đến ngày “Research” tuần sau. Mà, phải viết ngay. Chủ yếu là viết vào buổi tối hay viết vào những ngày cuối tuần. Lúc thiên hạ ngủ thì mình ngồi viết. Lúc thiên hạ đi shopping hay túm tụm nhậu nhẹt với bạn bè thì mình ngồi viết.

Hầu hết các cuốn sách và các bài viết đăng trên blog này của tôi đều được viết như thế.

Buổi tối và cuối tuần.

SÁCH NGUYỄN HƯNG QUỐC DO VĂN MỚI XUẤT BẢN:

VĂN HOÁ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM
202 trang. 12 Mỹ kim

SỐNG VỚI CHỮ
202 trang. Giá 12 Mỹ kim

THƠ CON CÓC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC
358 trang. Giá 17 Mỹ kim

MẤY VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH VÀ LÝ THUYẾT VĂN HỌC
388 trang. Giá 17 Mỹ kim

VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI TOÀN CẦU HOÁ
300 trang. Giá 14 Mỹ kim

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC CỦA NHÀ VĂN MỚI:
P.O.Box 287,
Gardena, CA 90248
USA
Phone: (1) (310) 366 6867
Email: kimanquan@yahoo.com
Homepage: http://www.vanmoi.com/

Vài nhận xét về Nguyễn Hưng Quốc

“Bình luận về thơ ở ngoài nước hiện giờ, chúng ta có một tài viết thông minh và xuất sắc: đó là Nguyễn Hưng Quốc.” (Mai Thảo, tạp chí Văn tháng 9.1992)

“Nguyễn Hưng Quốc là một tay cự phách viết về thơ, ở ngoài cũng như ở trong nước Việt Nam.” (Đỗ Quý Toàn, Thế Kỷ 21 tháng 8, 1996)

“Nguyễn Hưng Quốc […] tỏ ra am tường về thơ Đông Tây kim cổ nói chung và thơ Việt Nam nói riêng, đọc nhiều, biết rộng, nhận xét tinh tế, tài hoa, trình bày mạch lạc giản dị và sáng sủa ngay cả những vấn đề phức tạp trừu tượng nhất. Nguyễn Hưng Quốc là một tài năng trong lĩnh vực phê bình lý luận thơ, điều đó không còn phải nghi ngờ.” (Đỗ Minh Tuấn, tuần báo Văn Nghệ 1.3.1997)

“Một số người ở hải ngoại đã nuôi ảo tưởng rằng nếu được tự do phổ biến thì văn học hải ngoại sẽ như một làn gió mới, gây nên những chấn động gì kinh khủng lắm. Có lẽ không như vậy. Gây chấn động bây giờ có phải dễ đâu. So với những sáng tác của hải ngoại thì có khi lối viết phê bình của Nguyễn Hưng Quốc lại gây tác động với trong nước nhiều hơn. Ông Quốc hội tụ được cả ba điểm: Một, tiếp thu được những lí thuyết mới; hai, nắm chắc văn học Việt Nam […]; ba, có một lối viết vừa là khoa học vừa là văn chương.” (Phạm Xuân Nguyên, Talawas 21.4.2005)

“[M]ột cây bút phê bình như anh [NHQ] tiếc thay đã không thể có ở Việt Nam.” (Đinh Bá Anh, Talawas 18.5.2005)

“[B]ộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh... và một vài người khác nữa.” (Nguyễn Mộng Giác, Talawas 14.3.2006)

“Những bài tiểu luận nhận định, phân tích và phê bình văn học của Nguyễn Hưng Quốc đã là chiếc chìa khoá phê bình khai mở lý thuyết văn học Việt Nam, xác định được vị trí của nền văn học Việt Nam đang đứng ở chỗ nào so với nền văn học thế giới, điều mà trong nước chưa từng làm. Nó có tác dụng nổ máy chiếc xe cũ kỹ văn học Việt Nam đã từ lâu nằm yên trong nhà xe bụi bặm.” (Trịnh Thanh Thuỷ, Talawas 26.8.2006)

“Chữ nghĩa đanh thép, lý luận sắc bén như Nguyễn Hưng Quốc không phải thời nào cũng có.” (Nguyễn Xuân Hoàng, VOA blog ngày 2 tháng 9, 2010.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG