Việt Nam và Campuchia vừa ra tuyên bố chung nhắc lại nguyên tắc hợp tác an ninh, quốc phòng, theo đó hai bên không cho phép lực lượng thù địch sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại đến bên kia.
Nguyên tắc này được nêu trong tuyên bố chung hôm 22/12, trong chuyến công du kéo dài hai ngày của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Campuchia. Theo các chuyên gia, chuyến đi này là một phần trong nỗ lực của Hà Nội muốn duy trì ảnh hưởng đến khu vực trước sự bá quyền của Trung Quốc.
Chuyến công du của ông Phúc diễn ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và các hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia vì những gì mà Washington cho là ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, “phá hủy và đe dọa an ninh khu vực,” tiếp theo sau việc Trung Quốc hỗ trợ xây dựng căn cứ Hải quân Ream ở phía nam Campuchia, nơi nhìn ra vịnh Thái Lan.
“Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia” tuyên bố chung của Việt Nam và Campuchia viết.
Vào tháng trước, Washington cũng đã trừng phạt hai quan chức Campuchia vì tham nhũng tại căn cứ Hải quân Ream, nơi các quan chức Mỹ từng nêu lên lo ngại về sự thiếu minh bạch trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc.
Đáp lại, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh cấm Hoa Kỳ thăm căn cứ Hải quân Ream. Phía Campuchia cũng cho rằng việc Bắc Kinh hỗ trợ Phnom Penh xây dựng căn cứ này là “vì lợi ích của Campuchia”, và rằng căn cứ hải quân Ream “không dành cho quân đội Trung Quốc cũng như không cho bất kỳ quốc gia nào sử dụng làm căn cứ quân sự của họ”.
Phía Trung Quốc lên tiếng rằng hành động của Hoa Kỳ đã “bôi nhọ” mối quan hệ và sự hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia, đồng thời “đe dọa, gây áp lực và áp đặt” lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ Campuchia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Trung Quốc – Campuchia là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và là những người bạn thân thiết”.
Sự căng thẳng lâu nay của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng nằm trong nghị trình của lãnh đạo Hà Nội trong chuyến công du nước láng giềng Campuchia. Chuyến thăm chính thức này của ông Phúc cho thấy Việt Nam đang cố gắng duy trì vị thế và ảnh hưởng truyền thống của mình trước sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, các chuyên gia nói với VOA.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh Kim Phúc, một chuyên gia và an ninh chính trị khu vực, nêu nhận định với VOA:
“Vấn đề Trung Quốc đang viện trợ cho Campuchia để nâng cấp các căn cứ quân sự gây ra sự quan ngại không những của Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác, mà còn ngay cả đối với Mỹ.
“Chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Campuchia lần này, ngoài việc thắt chặt đoàn kết hữu nghị, Việt Nam còn tìm kiếm sự bảo đảm về an toàn chiến lược cho Việt Nam trong tình hình mới mà khu vực Đông Nam Á, Biển Đông đang nằm trên miệng hố chiến tranh bởi sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.
“Liệu rằng tuyên bố chung giữa Việt Nam và Campuchia có đảm bảo được hay không, sẽ được tuân thủ được hay không? Dựa vào mối quan hệ Việt Nam – Campuchia trong quá khứ và hiện nay, tôi tin rằng lời hứa của chính phủ Campuchia là có thể tin được,” ông Đinh Kim Phúc chia sẻ.
Dịp này Việt Nam và Campuchia cũng nhắc phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau và giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.
Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia có đoạn: “Hai bên nhấn mạnh lập trường chung của ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.”
Hôm 21/12, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Picheysena Tea Banh đã ký Kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2022, theo trang Quân đội Nhân dân.
Chuyến đi Campuchia của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chỉ vài tháng sau chuyến công du Lào của ông vào tháng 9 năm nay, cũng trong nỗ lực duy trì sự ảnh hưởng của Hà Nội đối với Vientiane, các chuyên gia cho biết.
Ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, cho VOA News biết: “Đối với Việt Nam, quan hệ với Lào và Campuchia có vai trò hết sức quan trọng về mọi mặt, nhất là về an ninh - quốc phòng. Do đó, duy trì quan hệ tốt đẹp với hai quốc gia này cũng như giữ ảnh hưởng ở mức tối đa có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
“Trong 10 năm qua, mục tiêu này đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc ở hai quốc gia này,” ông Hiệp cho biết thêm. Ông nói rằng Lào và Campuchia sẽ tiếp tục là những quốc gia quan trọng “nơi cạnh tranh chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”.
Nhận định trước thông tin Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Là quốc gia láng giềng đối với cả Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị phù hợp với cả Trung Quốc và Campuchia, cũng như mong muốn quan hệ Trung Quốc - Campuchia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định và thịnh vượng của khu vực”.
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng năm 2022 sẽ là năm có “ý nghĩa chính trị sâu sắc” trong quan hệ Việt Nam - Campuchia, với việc kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen.