Tàu USS John McCain của Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng hôm 10 tháng 8 trong chuyến thăm được gọi là chuyến “giao lưu văn hóa” chỉ hai ngày sau khi một phái đoàn gồm các lãnh đạo chính phủ và quân đội Việt Nam bay từ thành phố Đà Nẵng ra thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington trong vùng Biển Đông.
Bản tin trên The Christian Science Monitor trích lời cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Việt Nam hồi thập niên 1970, ông Frederick Brown nói rằng “đó thật là một điều phi thường nếu nhìn lại đã có thời Hoa Kỳ đánh bom Việt Nam”. Ông Brown nói thêm rằng “đó là điều mà giờ đây cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều muốn thực hiện, đó là một mối quan hệ giữa quân đội với quân đội hai nước”.
Bài viết cũng nhận định mối quan hệ đang ngày càng nảy nở giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là rõ rệt hơn so với mối quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện giờ muốn cân bằng giữa cường quốc này với cường quốc kia trong khi Trung Quốc thì đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng đối với các nước xung quanh họ.
Thêm vào đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên và bực tức khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ xem việc giúp giải quyết các tuyên bố về chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông là một mối quan tâm của quốc gia tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội.
Theo trang tin điện tử Montreal Gazette.com hôm 28/7, nhật báo China Daily của nhà nước Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ tìm cách “khơi lại hận thù” về chủ quyền các hòn đảo ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo các nước láng giềng tại Đông Nam Á rằng chính sách của Washington trực tiếp chống lại Trung Quốc và cố ý khuấy động các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.
Báo chí Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang thiết lập thêm một lực lượng NATO tại Châu Á để kiềm chế Trung Quốc, mà bằng chứng cụ thể là các cuộc diễn tập hải quân chung với Nam Triều Tiên và hành động được xem là can thiệp vào các vấn đề tại khu vực Biển Đông.
Ông Carl Robinson, một nhà báo và nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ, người đã từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam “như thường lệ, đang đứng về tất cả các bên, giống như những gì họ từng làm trong thời chiến” khi dựa vào cả Trung Quốc và Liên Xô cũ. Ông nói thêm rằng “đó là điều rất khôn ngoan và thật đáng tiếc là người Mỹ đã mất quá nhiều thời gian để thức tỉnh và cùng tham gia vào cuộc chơi”.
Còn vị cựu tổng lãnh sự, ông Brown thì nói với The Christian Science Monitor rằng “quí vị sẽ không thấy ai nói rằng chúng tôi đang tìm cách kìm hãm Trung Quốc và điều cuối cùng Việt Nam muốn là loan báo rằng họ là một liên minh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm cách phản đối xu hướng của Trung Quốc cho rằng ‘Cái gì của tôi là của tôi, và cái gì của anh cũng là của tôi’.
Ông Mark Fitzpatrick, một cựu chuyên gia về phổ biến vũ khí tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện đang làm việc tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, người đã đến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, nói rằng việc Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ là ‘vô cùng hợp lý’.
Ông Fitzpatrick nói thêm rằng đối với Việt Nam, nước đã từng có những tranh chấp biên giới với Trung Quốc và hiện đang quan ngại về các tuyên bố cũng như sự khẳng định ngày càng mạnh mẽ chủ quyền của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ là một đối tác ‘tự nhiên và được hoan nghênh hơn’ khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã đi vào quá khứ và cả hai nước đang cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguồn: The Christian Science Monitor, China Daily, Asia News Network, Taiwan News
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1