Việt Nam xếp hạng 2 và ra khỏi danh sách cần theo dõi về tình trạng buôn người, theo phúc trình 2012 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người trên thế giới mới công bố ngày 19/6.
Hai năm trước, Việt Nam liên tục bị Hoa Kỳ liệt kê vào danh sách các nước cần theo dõi về phòng chống buôn người. Thứ hạng cải thiện của Việt Nam năm nay nhờ vào luật phòng chống buôn người được thông qua hồi tháng 3 năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2012.
Năm 2011, chính phủ Hà Nội hoàn tất và phổ biến kế hoạch hành động quốc gia 5 năm về phòng chống buôn người với các quy định giúp ngăn ngừa tệ trạng này và loan báo dành khoảng 15 triệu đô la để thực thi kế hoạch.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói tuy chính phủ Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để bài trừ tệ buôn người, nhưng đang có những nỗ lực đáng kể trong công tác này.
Tuy nhiên, phúc trình cũng nêu rõ rằng bất chấp những chỉ trích từ quốc tế, các trung tâm phục hồi cho người cai nghiện và gái mại dâm của chính phủ Việt Nam vẫn đang áp dụng các hình thức cưỡng bức lao động, cũng là một hình thức buôn người.
Ngoài ra, vẫn theo báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam chưa cung cấp những sự bảo vệ thích ứng đối với các công nhân xuất khẩu lao động bị nợ nần, bị lạm dụng, hay bị cưỡng bức lao động.
Theo phúc trình, không có số liệu khả tín về con số các nạn nhân bị buôn người trong năm, nhưng báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống Buôn người Quốc gia Việt Nam nói chính quyền xác định 430 nạn nhân buôn người, 250 nạn nhân khác được phát hiện và bị đưa về nước bởi các chính phủ nước ngoài và các tổ chức NGO, và 120 trường hợp tự xác nhận bị buôn người. Đa số các nạn nhân được xác định là phụ nữ và trẻ em, trong đó có cả các em nhỏ bị bắt và mua bán làm con nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là người đồng sáng lập tổ chức mang tên Liên minh Chống Nô lệ mới tại Châu Á (CAMSA), chuyên bảo vệ và giải cứu các nạn nhân bị buôn người tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. CAMSA hằng năm cung cấp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ các tư liệu và thông tin về tình trạng buôn người tại khu vực.
Tiến sĩ Thắng không đồng ý với việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách cần theo dõi về phòng chống buôn người.
Tiến sĩ Thắng nói: “Việt Nam hiện vẫn không thay đổi gì về thực tế, chỉ có một điểm trong bản phúc trình cho thấy có một bước tiến nho nhỏ. Đó là chính quyền Việt Nam đã soạn thảo kế hoạch hành động quốc gia để phòng chống buôn người. Thực sự, một kế hoạch chưa phải là những hành động cụ thể để phòng chống buôn người. Do đó, chúng tôi thấy Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay có lẽ hơi vội vàng khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách cần theo dõi khi chỉ dựa trên một sự hứa hẹn rằng sẽ hành động trong tương lai. Chúng tôi thấy có lẽ tốt hơn chính phủ Hoa Kỳ nên chờ Việt Nam hành động và chứng minh một số thành quả.”
Người đứng đầu tổ chức bài trừ tệ buôn người ở Châu Á CAMSA cho biết thêm:
“Tất cả những khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (với Việt Nam) từ năm ngoái tiếp tục duy trì trong năm nay cho thấy Việt Nam chưa thay đổi gì cả. Một ví dụ cụ thể là Việt Nam chưa hề truy tố bất kỳ trường hợp nào thuộc diện buôn lao động nằm trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam.”
Trong số các khuyến nghị phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra đối với chính phủ Việt Nam năm nay bao gồm đề nghị Việt Nam ban hành các hướng dẫn để thực thi luật chống buôn người, đào tạo giới chức tư pháp, chấm dứt việc cưỡng ép lao động trong các trại phục hồi nhân phẩm, và có các biện pháp tăng cường nỗ lực bảo vệ công nhân xuất khẩu lao động.
Tiến sĩ Thắng thuộc Liên minh Chống Nô lệ mới tại Châu Á cho rằng nỗ lực phòng chống buôn người của Việt Nam sẽ khả tín hơn nếu được phối hợp với các tổ chức độc lập ngoài nhà nước và quốc gia khác:
“Việt Nam phải chấp nhận hợp tác với các tổ chức ngoài chính quyền để bảo vệ nạn nhân, để theo dõi và phanh phui các đường dây buôn người và phải chứng minh được rằng họ hoàn toàn hợp tác với các quốc gia khác trong vấn đề bảo vệ nạn nhân và truy tố thủ phạm.”
Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, cho biết hiện trên toàn thế giới có khoảng 27 triệu nạn nhân của tình trạng buôn người.
Bà Clinton nhấn mạnh:
“Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những đánh giá rõ ràng và trung thực về những điểm các nước đạt tiến bộ trong cam kết về phòng chống buôn người, những điểm còn dậm chân tại chỗ hay bị thụt lùi. Bản báo cáo xem xét tất cả các chính phủ trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Phúc trình năm nay cho thấy thế giới đang đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chống buôn người. Có 29 quốc gia được nâng hạng, chứng tỏ chính phủ các nước này đang có những biện pháp đúng hướng.”
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nước bị xếp hạng hai như Việt Nam năm nay là những quốc gia chưa tuân thủ toàn diện các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo vệ các nạn nhân bị buôn người, nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn này.