Việt Nam đã tiến hành động thổ một nhà máy nhiệt điện trị giá 1,17 tỷ đôla nhằm tìm cách khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong nước.
Bản tin hôm 5/7 của hãng thông tấn Pháp trích nguồn tin của báo Vietnam News cho hay nhà máy Nghi Sơn 1 sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2014 và sẽ có công suất 600 megawatt.
Thủy điện cung cấp hơn một phần ba sản lượng điện cho cả nước, tuy nhiên hiện tượng khô hạn đã gây nên tình trạng thiếu điện trầm trọng khiến nhiều địa phương thường xuyên phải cắt điện.
Theo thống kê của công ty điện lực nhà nước, Việt Nam thiếu khoảng 2 tỷ kilowatt giờ điện trong 5 tháng đầu năm.
Hồi cuối tháng trước hàng trăm nông dân ở xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã tụ tập bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương để phản đối về tình trạng cắt điện liên miên.
Không chỉ có người dân mà nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu điện và các cơ sở hạ tầng khác.
Cũng vào cuối tháng 6, các nhà lãnh đạo công nghiệp và các kinh tế gia ở Việt Nam đã đề nghị phá vỡ tình trạng độc quyền ngành điện để giải quyết vấn đề thiếu điện đang phương hại tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các nhà phân tích cho rằng sản xuất không theo kịp nhu cầu vì sự độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gọi tắt là EVN, làm cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không muốn đầu tư vào các nhà máy điện.
Hãng DPA trích lời ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói rằng nạn thiếu điện sẽ kéo dài vô tận nếu không cải cách EVN.
Chính phủ Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung điện với kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên để đưa vào hoạt động vào năm 2020.
Theo Dow Jones, 85% trong tổng số vốn đầu tư gần 1,2 tỷ đôla của Nhà máy Nghi Sơn 1 ở Thanh Hóa được sử dụng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản.
Nguồn: AFP, Dow Jones