Đảng Cộng Sản Việt Nam cho biết các đại biểu tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm tất cả 200 thành viên, chịu trách nhiệm về đường hướng chính sách cho 5 năm tới.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng nói các thành viên mới được tuyển chọn sau đó sẽ mở một cuộc họp kín hôm thứ Ba để chọn 17 ủy viên Bộ Chính Trị Trung Ương, được coi là những nhân vật có quyền lực cao nhất nước, có nhiệm vụ đề ra chính sách nhà nước.
Ngoài ra, ngày mai các ủy viên cũng sẽ bầu một Tổng Bí Thư mới để lãnh đạo Đảng. Bất chấp những giằng co trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam hồi năm ngoái, theo dự kiến, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ giữ nguyên chức vụ Thủ Tướng.
Cuộc biểu quyết này là cao điểm của Đại hội Đảng toàn quốc tổ chức 5 năm một lần, khởi sự từ tuần trước. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam nói họ hy vọng cuộc biểu quyết trong đại hội đảng kỳ này sẽ mở đường đón nhận nhiều ủy viên mới, trẻ trung hơn và có trình độ cao hơn.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, dựa vào những quy định mới, 20% các đại biểu mới sẽ thuộc lứa tuổi dưới 50, và 10% là phụ nữ.
Hãng tin AFP bình luận rằng các ủy viên tân cử có nhiệm vụ giám sát tiến trình hiện đại hóa kinh tế trong khi vẫn nhất quyết, không từ bỏ chế độ chính trị độc tài hiện hành.
Thông tấn xã của Pháp nói mục tiêu của đại hội đảng là vạch một hướng đi cho Việt Nam trong 5 năm tới, giữa lúc Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều thách thức kinh tế, kể cả lạm phát cao và một đơn vị tiền tệ yếu kém.
Ước lượng gần 1.400 đại biểu sẽ biểu quyết kín để chọn Ban Chấp Hành Trung ương mới, mà các nguồn tin trong đảng nói sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, trong bối cảnh các đảng viên đảng cộng sản tiếp tục một cuộc tranh luận trong nội bộ, và cùng lúc gạt bỏ mọi thay đổi chính trị đáng kể, kể cả một chế độ đa đảng.
Các nhà phân tích nói nhiều năm tăng trưởng kinh tế đã giúp Đảng Cộng Sản Việt Nam chiếm được sự ủng hộ của công chúng, tuy nhiên chế độ đương quyền không chấp nhận bất cứ mối đe dọa nào thách thức quyền hạn của họ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói quyền tự do sử dụng internet và tự do bày tỏ ý kiến ngày càng bị siết chặt tại Việt Nam trong năm ngoái, trong một chiến dịch đàn áp trong đó gần 40 người đã bị bắt giữ hoặc bị kết án.
AFP trích lời Cựu Chủ Tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn văn An, nói thành phần nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương mới có tầm quan trọng thiết yếu, vì theo lời ông, chọn lầm sẽ đưa đất nước vào tình trạng chậm tiến.
Tuy nhiên, giới chỉ trích tỏ thái độ hoài nghi về bất cứ thay đổi đáng kể nào về đường hướng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà mới tuần trước, đã lên tiếng xác định vai trò chủ yếu cho lĩnh vực quốc doanh, 25 năm sau khi chính sách đổi mới mở đường cho thị trường tự do từ một hệ thống kinh tế chỉ huy.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi lãnh đạo Việt Nam phải cải cách kinh tế và đương đầu với những thách thức, kể cả mức thâm hụt thương mại, hệ thống hạ tầng cơ sở yếu kém, và tình trạng thiếu hiệu quả của các công ty quốc doanh.
Một công điện của sứ quán Mỹ tại Việt Nam bị trang web Wikileaks tiết lộ hồi tuần trước, nói rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và cả đối thủ chính trị lâu đời của ông Dũng là ông Trương Tấn Sang, đều không phải là những nhà cải cách như cựu Thủ Tướng Võ văn Kiệt, tuy nhiên, sứ quán Mỹ tin rằng cả hai ông Dũng và Sang đều là những nhân vật thực tiễn và ủng hộ khuynh hướng thị trường.
Nguồn: AFP, Reuters, Vancouver Sun, Channel News Asia
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1