Đường dẫn truy cập

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án 7 năm tù


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tuyên phạt 7 năm tù giam, và quản chế 3 năm sau khi thọ án tù
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tuyên phạt 7 năm tù giam, và quản chế 3 năm sau khi thọ án tù

Một nhà hoạt động chính trị thuộc một gia đình thế tộc đã bị tuyên án 7 năm tù vì bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Việt Nam. Các chuyên gia phân tích nói chiến thuật phản đối bất thường của ông Cù Huy Hà Vũ đã thách thức đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam.

Một nhà hoạt động chính trị Việt Nam đã bị kết án 7 năm tù vì các cáo trạng kêu gọi giải thể đảng Cộng sản Việt Nam, cổ xúy một hệ thống chính trị đa đảng, và gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Một quan tòa nói các bài viết và phỏng vấn của nhân vật hoạt động Cù Huy Hà Vũ đã “bôi nhọ, trực tiếp hay gián tiếp” đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam.

Ông Cù Huy Hà Vũ sẽ bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia 3 năm sau khi được thả.

Các chuyên gia nói rằng hoạt động pháp lý mang tính công kích một cách bất thường của ông Vũ đã thách thức quyền lực của đảng. Họ cho rằng vụ án quan trọng này sẽ nêu ra các nghi vấn về tương lai của sự công khai chống đối tại Việt Nam.

Ông Cù Huy Hà Vũ, 53 tuổi, là một nhà hoạt động đã từng học luật ở Pháp. Ông bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp nhắm vào những người hoạt động và blogger trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 1 năm nay.

Ông Vũ đã bênh vực những người chỉ trích chính phủ và năm 2009, đã hai lần có ý định kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một dự án khai thác mỏ bauxite gây nhiều tranh cãi mà ông Vũ cho rằng vi phạm luật pháp quốc gia.

Sau vụ bắt giữ ông Vũ hồi tháng 11, báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát đã cáo buộc ông là loan truyền “thông tin vô căn cứ, bịa đặt và bóp méo” về giới lãnh đạo và quản lý nhà nước.

Các nhà hoạt động Việt Nam thường bị cáo buộc là tuyên truyền chống nhà nước, nhưng không giống với các nhà hoạt động khác, ông Vũ xuất thân từ một gia đình quyền thế. Thân phụ của ông là Cù Huy Cận, một cố vấn cho người được coi là anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, chú của ông là Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng.

Một giáo sư của trường Đại học New South Wales, ông Carl Thayer, nói trước khi diễn ra phiên tòa, rằng gốc gác thế tộc của ông Vũ đã đặt những người cộng sản Việt Nam vào một “thế khó xử.”

Giáo sư Thayer nói “Làm thế nào để chống lại một người với dòng dõi như thế và nói rằng ông ta thực sự là phản động khi mà ông ta xuất thân từ một gia đình trung kiên như vậy? Các công tố viên nhà nước và giới hữu trách công an sẽ tìm cách ngăn chặn việc đề cập đến quan hệ đó.”

Mặc dầu Việt Nam bác bỏ các mưu toan của ông Cù Huy Hà Vũ định đệ đơn phản đối dự án khai mỏ bauxite, giáo sư Thayer nói hoạt động tranh đấu của ông Vũ đã thách thức luật pháp Việt Nam.

Hôm mùng 2 tháng này, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi phóng thích ông Vũ, và nêu ra rằng ông là một trong những nhân vật phản kháng nổi tiếng nhất Việt Nam.

Phó giám đốc châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson nói với đài VOA rằng vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ phản ánh chính trị nội bộ Việt Nam và không có liên hệ đến các cuộc nổi dậy mới đây của dân chúng ở châu Phi và Trung Ðông.

Ông Robertson nói: “Chúng tôi đoán là họ tìm cách bịt miệng ông, nhưng tôi nghĩ có lẽ ngoài ông ra họ còn nhắm vào những người khác trong giới có thế lực cách mạng có thể muốn lên tiếng về những gì đang xảy ra, về nạn tham ô, lạm quyền, vi phạm nhân quyền, chiếm dụng đất đai, và những thứ khác đang ngày càng được các tổ chức dân sự thuộc mọi tầng lớp ở Việt Nam nêu ra.”

Theo Human Rights Watch, các ủng hộ viên của ông Cù Huy Hà Vũ thuộc nhiều thành phần công nhân, blogger, giáo dân Công giáo và những người hoạt động tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai.

VOA Express

XS
SM
MD
LG