Một cuộc hội thảo về chiến lược phát triển hệ thống an toàn công nghệ sinh học đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng với Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế phối hợp tổ chức hôm thứ Ba tại Hà Nội.
Theo tin của Tân Hoa Xã, các tham dự viên tập trung thảo luận về việc thiết lập những công cụ cho an toàn công nghệ sinh học, trong đó có công cụ Net-Mapping được Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế áp dụng từ năm 2008, nhằm nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về công nghệ sinh học.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng nói rằng những tác dụng tích cực của cây trồng biến đổi gien đã được chứng minh tại nhiều nước trên thế giới, nhưng việc ứng dụng công nghệ này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Ông Bùi Bá Bổng cho biết Việt Nam đã ban hành các văn kiện pháp lý liên quan tới sự an toàn và phát triển công nghệ sinh học, và đề ra các chính sách để hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các nước khác và ứng dụng công nghệ này cho việc trồng trọt ở Việt Nam.
Tiến sĩ Julian Adams, Giám đốc quốc gia của Chương trình An toàn Công nghệ Sinh học Á châu (PBS), cho biết tính đến năm 2010 có 29 quốc gia trên thế giới được phép trồng trọt các loại cây trồng biến đổi gien. Trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2009, các loại cây trồng biến đổi gien đã giúp cho thu nhập của nông dân gia tăng gần 65 tỉ đô la.
Ông Adams cho biết PBS hỗ trợ Việt Nam trong việc huấn luyện, thử nghiệm và tổ chức các cuộc hội thảo liên quan tới vấn đề an toàn công nghệ sinh học.
Nguồn: Xinhua, Vietnam Plus
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1