Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Liên tục hạ dự báo tăng trưởng


Từ đầu tháng 10 trở lại đây, có một làn sóng các định chế tài chính thế giới điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm 2013 theo hướng bi quan hơn so với trước.

Chỉ trong vòng khoảng 1 tuần đầu tháng 10, ngân hàng HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 và 2013 từ mức 5.1% và 5.8% (số liệu dự báo hồi tháng 5 năm nay) xuống còn 5% và 5.3%. Tương tự như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ dự báo của họ cho năm 2012 và 2013 từ mức 5.6% và 6.3% (số liệu dự báo hồi tháng 4 năm nay) xuống còn 5.1% và 5.9%. Ngân hàng Thế giới vẫn còn lạc quan hơn một chút, nhưng vẫn lạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm nay và năm sau từ mức 5.7% và 6.3% (số liệu dự báo hồi tháng 5 năm nay) xuống còn 5.2% và 5.7%.

Cơ quan dự báo và nguồn dẫn (bấm vào link để xem báo cáo gốc) 2011 2012
HSBC, tháng 10/2012 5.0% 5.3%
HSBC, tháng 5, 2012 5.1% 5.8%
HSBC, tháng 2, 2012 5.7%
IMF, tháng 10, 2012 5.1% 5.9%
IMF, tháng 4, 2012 5.6% 6.3%
IMF, tháng 9, 2011 6.3%
Ngân hàng Thế Giới, tháng 10, 2012 5.2% 5.7%
Ngân hàng Thế Giới, tháng 5, 2012 5.7% 6.3%
Ngân hàng Thế Giới, tháng 11, 2011 6.1%
Các điều chỉnh này cũng đi cùng hướng với dự đoán của nhà nước Việt Nam. Mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ vào đầu năm 2012 là tăng GDP cả năm vào khoảng 6% đến 6.5% cho năm 2012. Tuy nhiên, cũng trong tháng này, theo tính toán của Bộ kế hoạch và Đầu tư (trong một báo cáo trình Quốc hội) thì GDP của năm nay cùng lắm chỉ tăng trưởng khoảng 5.5%.

Dự báo kinh tế luôn luôn là một công việc khó khăn. Ngay cả với một nền kinh tế khép kín (không có giao thương với các nước khác), thì nền kinh tế đóng tự nó đã là một cơ thể hết sức phức tạp và các quy luật vận động của nó chỉ có thể ước định được một cách tương đối. Với các nền kinh tế mở, việc dự đoán còn khó hơn vì các biến số vĩ mô của nó không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nội sinh mà còn phụ thuộc vào hàng loạt các biến số kinh tế toàn cầu.

Trong trường hợp của Việt Nam, việc dự báo lại còn khó hơn nhiều lần nữa. Vì là một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam hầu như không có, hoặc có không đầy đủ, số liệu dành cho những người làm dự báo. Số liệu của Việt Nam bị hai hạn chế cực kỳ lớn là (1) chất lượng của số liệu không tốt, và (2) việc công bố số liệu cũng bị hạn chế, số liệu được đưa ra phần nhiều là số liệu cũ của vài năm trước. Đó là chưa kể một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là nền kinh tế Việt Nam còn chưa hoàn toàn là một nền kinh tế vận hành theo đúng các quy luật thị trường. Vai trò của nhà nước còn quá lớn, và vì thế, nền kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào các quyết định điều hành (phần nhiều là giật cục) của nhà nước.

Trong một môi trường như vậy, khó lòng có thể sử dụng các mô hình phân tích định lượng phức tạp để dự báo. Nếu có làm cũng không ra được kết quả có chất lượng. Chính vì thế, từ trước đến nay đối với Việt Nam, không chỉ có chuyện Quốc hội và Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng theo cảm tính mà rất nhiều các định chế tài chính của nước ngoài cũng như của Việt Nam đều làm dự báo theo kiểu “bốc thuốc” – tức là đưa ra một con số mà họ cảm thấy hợp lý nhất theo nhận định chủ quan của người phân tích chứ không dựa trên một phân tích định lượng nào cả.

Thế nên chuyện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đưa ra dự đoán tăng trưởng và điều chỉnh dự đoán của họ vào từng thời điểm cụ thể là việc làm nhiều khi chỉ có ý nghĩa hình thức chứ không thực sự có giá trị cao về mặt dự báo.

Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, việc hàng loạt tổ chức khác nhau hạ (hoặc tăng) dự báo tăng trưởng của Việt Nam có một tác dụng đặc biệt khác. Nó là một chỉ dấu quan trọng cho biết thị trường, giới phân tích, và các định chế tài chính bên ngoài nhìn nhận thế nào về tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Trong năm nay, WB đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng của năm 2012, từ mức 6.1% (dự báo đưa ra vào cuối năm 2011) xuống còn 5.7% vào giữa năm nay, và giờ xuống còn 5.2%. IMF cũng đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng từ mức 6.3% (đưa ra vào tháng 9 năm ngoái) xuống còn 5.6% vào giữa năm nay, và giờ chỉ còn 5.1%. Tương tự như vậy HSBC đã hạ dự báo từ mức 5.7% hồi đầu năm xuống còn 5.1% hồi giữa năm và giờ chỉ còn 5%.

Điều này cho thấy trong con mắt của các định chế tài chính nước ngoài, triển vọng ngắn hạn của Việt Nam dang xấu đi, và xấu đi với tốc độ khá nhanh.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG