Việt Nam quyết định xúc tiến kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân trước năm 2030, mặc dù vụ khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản tạo ra nhiều mối quan tâm về vấn đề an toàn hạt nhân.
Tường thuật hôm thứ Hai của tờ Vancouver Sun ở Canada trích lời ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng “thông tin và đánh giá về những vụ nổ ở nhà máy Fukushima sẽ là cơ sở mà giới hữu trách Việt Nam dựa vào để phát triển các chương trình điện hạt nhân phù hợp.”
Tháng 10 năm 2010 Tập đoàn Điện lực Việt Nam do nhà nước làm chủ đã ký hợp đồng với công ty Rosatom của Nga để xây hai nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận. Dự án trị giá 10 tỉ đô la này sẽ khởi công vào năm 2014 và theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Tháng 10 năm ngoái Việt Nam cũng đã ký kết với Nhật Bản một hợp đồng để xây hai nhà máy điện hạt nhân, cũng ở tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, Nam Triều Tiên dự kiến sẽ trở thành nhà cung ứng thứ ba của Việt Nam trong lãnh vực điện hạt nhân.
Bài tường thuật của tờ Vancouver Sun cho biết Việt Nam thiếu rất nhiều chuyên viên để vận hành các nhà máy điện hạt nhân nên các hợp đồng với Nga và Nhật Bản đều có bao gồm những chương trình huấn luyện và đào tạo cho nhân viên người Việt Nam.
Từ khi hiệp định khung về hợp tác hạt nhân với Nhật Bản được ký kết năm 2008 đến nay, khoảng 500 chuyên viên Việt Nam đã được các công ty Nhật huấn luyện.
Kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam được nhiều người chú ý trong lúc Nam Triều Tiên chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân lần thứ 2 tại Seoul vào hạ tuần tháng này.
Tin tức từ Seoul cho biết Việt Nam sẽ tham dự hội nghị này sau khi đã tham dự hộïi nghị lần thứ nhất tổ chức tại Hoa Kỳ cách nay gần 2 năm.
Nguồn: New Straits Time, Vancouver Sun
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1