Xuất hiện lầ đầu tiên vào năm 1976 và được đặt tên theo con sông Ebola ở Congo, dịch Ebola đã xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3/2014 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Cho tới nay, sau 4 thập kỷ xuất hiện, vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị Ebola hữu hiệu. Tính tới tháng 10, đại dịch Ebola 2014 đã cướp đi sinh mạng của 4,,604 người tại Tây Phi và có hơn 9,284 ca phơi nhiễm. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng con số này có thể cao hơn gấp ba lần. Hiện nay, tâm dịch nằm ở các quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Liberia và Guinea, nơi bùng phát dịch đầu tiên từ 11 tháng trước.
Tỉ lệ tử vong, theo báo cáo mới nhất của WHO, là hơn 70%, cao hơn so với mức dự đoán ban đầu là 50%. Với mức độ lây nhiễm và tỉ lệ tử vong cao như hiện nay, thiệt hại về người và vật chất của đại dịch Ebola trong tương lai là rất khó lường. Theo dự đoán của WHO, số ca nhiễm bệnh mới có thể lên đến 10.000 một tuần vào tháng 12/2014, tăng gấp 10 lần so với tỷ lệ hiện nay.
Hai vấn đề lớn nhất liên quan đến Ebola là:
Thứ nhất là khả năng tạo ra biến thể có thể lây lan trong không khí. Nếu điều này xảy ra, theo Giáo sư Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các bệnh di truyền tại Đại học tổng hợp Minnesota (một trong những đại học lớn nhất Hoa Kỳ), thì “Tôi không thể tưởng tượng ra thứ gì trong suốt sự nghiệp của tôi – bao gồm cả HIV – có thể hủy hoại thế giới với năng lực khủng khiếp như virus Ebola lây truyền qua đường hô hấp”.
Thứ hai, nó là vấn đề chung của cộng đồng thế giới, vì vậy nó không tránh khỏi quy luật rất nghiệt ngã là “cha chung không ai khóc”. Tính đến thời điểm này, ngoài các nước trong tâm dịch buộc phải đối phó để sinh tồn, các nước khác cơ bản vẫn đứng ngoài nhìn. Một số tổ chức như WHO thì bị chỉ trích là “thiếu thông tin và nhân viên kém cỏi”. Nhìn tổng thể, giáo sư Osterholm cho rằng “Nhìn chung tình hình là tê liệt. Không có ai lãnh đạo, không có ai chịu trách nhiệm chính. Nó giống như sân bay không có đài chỉ huy không lưu. Các máy bay sẽ chỉ đâm vào nhau”.
Việc đóng góp của các quốc gia vào nỗ lực chung này tệ đến mức ông Kofi Anan, nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, cảm thấy “thất vọng một cách cay đắng”. Ông Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon kêu gọi các nước đóng góp 1 tỷ USD vào quỹ do LHQ thành lập để phòng chống Ebola nhưng tính tới ngày 17 tháng 10 mới chỉ nhận được 100 nghìn USD do Columbia đóng góp. Có một số quốc gia, tổ chức, và cá nhân tham gia vào nỗ lực này (không thông qua quỹ của LHQ do ông Ban Ki-Moon kêu gọi) nhưng chưa được bao nhiêu. Theo Telegraph, hiện nay chỉ có Mỹ đi đầu với cam kết gần 300 triệu USD (đã giải ngân hơn 200 triệu USD), tiếp theo là nước Anh với hơn 200 triệu USD nhưng giải ngân chưa tới 20 triệu. Các nước còn lại mỗi nước chỉ dưới 10 triệu, kể cả Trung Quốc là nước làm ăn rất lớn ở Châu Phi hiện nay cũng chỉ đóng góp có 8,3 triệu USD (và hầu như chưa giải ngân).
Việt Nam nên cân nhắc tham gia đóng góp vào nỗ lực chung này. Đặc biệt trong bối cảnh các nước khác không đóng góp hoặc đóng góp ít. Ngăn chặn từ xa là việc nên làm, đặc biệt là khi nó mang lại giá trị quảng bá cho hình ảnh đất nước. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, cả Mỹ và Cuba đều có động thái tuyệt vời với việc Mỹ cử 4000 quân sang Châu Phi tham gia kiểm soát dịch còn Cuba thì đã cử 165 chuyên gia y tế tới Sierra Leone và 296 người nữa sẽ đến tiếp viện cho Liberia and Guinea. Cả hai động thái này, đặc biệt là của Cuba, đã được báo chí quốc tế ca ngợi và là một quyết định cực kỳ thông minh của lãnh đạo nước này xét về mặt làm truyền thông quốc tế cho đất nước.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.