VOA: Ông đánh giá như thế nào về những gì đang xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản?
Ông Vương Hữu Tấn: Tôi nghĩ rằng sự cố xảy ra, và trong mấy ngày nay, Nhật Bản đang rất tích cực nhưng vẫn chưa xử lý được, thì có thể nói đấy là một vấn đề tương đối nghiêm trọng.
VOA: Cuộc họp do Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam tiến hành để đánh giá sự cố ở nhà máy này cũng như kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đi đến kết luận ra sao, thưa ông?
Ông Vương Hữu Tấn: Thực ra, chúng tôi tiến hành cuộc họp để công bố thông tin mang tính chất khoa học để giải thích cho báo chí nắm rõ hơn. Ví dụ như nếu mình công bố là nổ nhà máy, nhưng giải thích rõ bản chất vụ nổ đó, để cho người dân hiểu được thực sự cái đấy nó khác với sự cố ở nhà máy điện Chernobyl như thế nào. Chứ không người ta hiểu hai cái giống nhau thì gây ra tâm lý hoang mang trong công chúng.
Về tin đồn đám mây phóng xạ bay từ Nhật sang Việt Nam, hiện chúng tôi vẫn cập nhật thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có tổ chức khí tượng thế giới rồi đặc biệt là nguồn của tổ chức cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Theo người ta tính toán thì phần lớn nó phát tán, và đi về phía Hoa Kỳ, về phía đông. Về mặt vĩ độ thì nó chưa lan truyền sang phía nam.
VOA: Thưa ông, vậy Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nhật Bản trong tương lai?
Ông Vương Hữu Tấn: Thứ nhất, đấy là một quyết định mang tính chiến lược của nhà nước, nên không phải vì có những việc này (cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản)
mà mình lại thay đổi ngay.
Thứ hai nữa là công nghệ mà mình sẽ chọn là công nghệ nào. Nhật Bản có hai loại công nghệ, công nghệ lò nước sôi đang xảy ra sự cố, và công nghệ lò nước áp lực. Công nghệ lò nước sôi của Nhật mà để xảy ra sự cố thì họ cũng xây dựng từ những năm 60 -70. Thời đó, hệ thống đảm bảo an toàn của lò thế hệ đó cũng áp dụng nguyên lý của thời đó. Hiện nay, các lò thế hệ mới có nguyên lý an toàn tốt hơn.
VOA: Trước lo ngại của người dân, nhất là cư dân tại những nơi sẽ xây các nhà máy điện hạt nhân, như Ninh Thuận, ông muốn nói điều gì với họ?
Ông Vương Hữu Tấn: Tất nhiên là chúng tôi phải có trách nhiệm khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại một địa điểm nào đó để đảm bảo an toàn cho người dân ở đấy.
Để đảm bảo an toàn thì mình phải có nhiều biện pháp, thứ nhất là về công nghệ thì phải chọn công nghệ đảm bảo an toàn. Thứ hai, địa điểm xây dựng cũng phải đảm bảo yếu tố an toàn. Thứ ba, những vấn đề về quản lý mình cũng phải đảm bảo, từ hệ thống luật pháp tới con người cũng phải đảm bảo an toàn. Thực hiện như vậy sẽ giảm thiểu những rủi ro cho người dân ở đó nếu xảy ra sự cố.
Tất nhiên, ai cũng phải lo lắng thôi, cái đó là đương nhiên rồi, nhưng trong việc này, nếu mình lựa chọn tốt được công nghệ, và có những giải pháp thì nó sẽ giảm thiểu rủi ro đi thôi.
VOA: Trước những gì đang xảy ra ở Nhật Bản, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ngừng kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân vì cho rằng các nguy cơ từ việc phát triển điện hạt nhân là quá lớn. Bản thân ông nghĩ sao về bước đi này?
Ông Vương Hữu Tấn: Hiện nay Việt Nam đang tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố, và cách xử lý của Nhật Bản để xem có thể học tập được những kinh nghiệm gì trong vấn đề này. Để mà tư vấn cho chính phủ về vấn đề này, thì hiện nay tôi chưa có đề xuất cụ thể nào.
VOA: Một độc giả của đài VOA có đưa ra ý kiến rằng, xin trích, ‘khả năng kỹ thuật về điện tử năng có thể học hỏi được song cái lo âu nhất ở Việt Nam vẫn là tham nhũng, rút ruột ngân khoản chi tiêu, gian lận xây cất để bỏ túi riêng có thể làm mất hiệu năng an toàn cơ sở’. Ông có đồng ý với đánh giá này không, thưa ông?
Ông Vương Hữu Tấn: Tôi nghĩ đấy là một lưu ý cần phải quan tâm, không những ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác khi xây dựng điện hạt nhân. An toàn là điều rất quan trọng vì nếu để mất an toàn thì nó ảnh hưởng không những cho Việt Nam mà cho cả các nước trong khu vực nữa.
Người ta nói rằng mất an toàn cho điện hạt nhân không những chỉ (gây ảnh hưởng) cho một nước mà nó là phạm vi của các nước trong khu vực, và thậm chí là toàn cầu. Đấy là mối quan tâm chung của tất cả các nước. Việc đấy thì tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam đã hiểu được như vậy.
Xem tường thuật của phóng viên VOA tiếng Anh về cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản
Xin cám ơn ông Vương Hữu Tấn. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.