Phản hồi trước các quan ngại của báo cáo viên đặc biệt LHQ về các văn bản pháp luật trong nước hạn chế quyền tự do phát biểu, lập hội và nhóm họp, chính phủ Việt Nam nói rằng các quyền này “không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích Nhà nước”.
Văn thư phản hồi của Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/4 nói rằng “Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp 2013 và pháp luật”.
“Mọi công dân Việt Nam đều có thể bày tỏ ý kiến của mình và thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình thông qua các cơ quan báo chí”, văn thư dài 6 trang của Phái đoàn Việt Nam có đoạn viết.
Đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Geneve trình bày hàng loạt các các nội dung văn bản pháp quy đang được áp dụng trong nước, cho rằng các văn bản này được ban hành để “đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả” trong hoạt động của các tổ chức trong nước và tổ chức phi chính phủ (NGO).
Viện dẫn thống kê cho rằng tại Việt Nam có đến 72 triệu tài khoản trên mạng xã hội, Phái đoàn Việt Nam cho rằng “công dân trong nước có thể sử dụng mạng xã hội để thực thi quyền tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin phù hợp với luật pháp mà không bị cấm đoán hay giới hạn nếu không vi phạm lợi ích Nhà nước, cộng đồng và tổ chức, công dân”.
Trước đó, vào 10/12/2021, các báo cáo viên đặc biệt LHQ thuộc Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền nêu quan ngại về các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, như Nghị định 80/2020/NĐ-CP, Nghị định 56/2020/NĐ-CP, Quyết định 06/2020/QĐ-TTg, Nghị định 72/2013/NĐ-CP...
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ cho rằng các văn bản này “dường như đã làm phức tạp hơn các thủ tục đối với việc tiếp cận vốn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước”, và tạo nên “những hạn chế không đáng có đối với các thành viên xã hội dân sự trong việc thực hiện các quyền của họ và hạn chế hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt liên quan đến việc tiếp cận các nguồn tài trợ hợp pháp của nước ngoài”.
Các báo cáo viên LHQ cũng quan ngại về Điều 5 của Nghị định 72, theo đó cho rằng chính quyền áp đặt các hạn chế về việc đăng tin và chia sẻ thông tin trên mạng của các tổ chức xã hội dân sự với những điều khoản “mập mờ” nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt của các tổ chức xã hội dân sự.
Báo cáo viên của LHQ cho rằng việc áp đặt thêm các quy định gò bó này trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã vi phạm Điều 21- Điều 22 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Điều 8 của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).