Một tổ chức nhân quyền quốc tế hối thúc Việt Nam điều tra về nạn bạo hành của công an và xử lý những người chịu trách nhiệm đối với hàng loạt những trường hợp tử vong vì công an sử dụng vũ lực gây chết người.
Trong thông cáo phổ biến ngày 22 tháng 9, tổ chức Human Rights Watch ghi nhận 19 trường hợp bạo hành của công an Việt Nam, dẫn đến cái chết của 15 người.
Những trường hợp này được báo chí do nhà nước kiểm soát loan tin trong 12 tháng qua, nhưng không có tin gì về việc công an bị kết tội vì những hành động của họ.
Tổ chức có trụ sở chính New York này yêu cầu chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận vấn đề, ban hành luật lệ để qui định rõ hành vi lạm quyền của công an ở mọi cấp bậc đều là phạm pháp, và khẳng định rõ bất kỳ công an nào vi phạm đều phải chịu kỷ luật, và có thể bị truy tố hình sự theo qui định của pháp luật.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân bộ Á Châu của Human Rights Watch, nói rằng “tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan tâm sâu sắc rằng những vụ lạm quyền này vừa tràn lan vừa có tính chất hệ thống".
Bản tin hôm thứ Năm của hãng thông tấn Pháp cho biết giới hữu trách Việt Nam chưa bình luận gì về tố cáo của Human Rights Watch.
Tổ chức nhân quyền này cho biết trong một số vụ việc, nạn nhân đã bị đánh chết trong lúc bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng vũ lực được ghi nhận là quá mức cần thiết. Trong những vụ việc này, có nhiều vụ đã làm bùng ra những cuộc biểu tình phản đối trên khắp Việt Nam trong năm vừa qua.
Theo thông cáo của Human Rights Watch, trong số tất cả 19 vụ việc về công an bạo hành được ghi nhận từ tháng 9 năm 2009, chưa có báo cáo nào cho thấy công an bị tòa kết án vì hành vi của mình. Đa số các trường hợp, cấp trên của họ đưa ra các hình thức kỷ luật nhẹ, như yêu cầu xin lỗi gia đình nạn nhân, phải thuyên chuyển đi nơi khác hoặc viết tờ kiểm điểm. Trong một vài trường hợp, nhân viên công an phạm tội bạo hành đã bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giam chờ điều tra, như trong trường hợp ở tỉnh Bắc Giang, có vẻ nhằm đối phó với sức ép từ các cuộc biểu tình của dân chúng và những thông tin trên các trang mạng độc lập.
Theo ông Robertson, phần nhiều trong số những vụ việc gây bất bình này không còn trong vòng bí mật nữa, và vấn đề còn lại là các bộ trong chính phủ và Quốc hội Việt Nam có muốn điều tra hay không. Ông kết luận rằng “Nếu công an không nhận được thông điệp từ các cấp chính phủ rằng họ sẽ bị trừng phạt thì không có gì để ngăn họ đừng có những hành vi lạm quyền như vậy, kể cả hành vi đánh người cho tới chết”.
Nguồn: AFP, AP, HRW
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1