Hai ngành công nghiệp thép và điện của Việt Nam đều đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu điện do nhu cầu về điện trong nước tăng nhanh hơn khả năng cung cấp của các nhà máy điện.
Hồi tuần trước, tập đoàn điện lực độc quyền Việt Nam, gọi tắt là EVN đã đề nghị chính phủ yêu cầu bất cứ nhà máy thép mới nào cần tiêu thụ lượng điện lớn hơn 100 megawatt thì phải tự xây dựng nguồn điện riêng thay vì sử dụng nguồn điện từ lưới điện quốc gia.
Hôm thứ Ba, hãng thông tấn Đức đưa tin tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho rằng ngành công nghiệp thép đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam phải chịu trách nhiệm một phần vì tình trạng thiếu điện liên miên trên khắp Việt Nam trong mùa hè này.
Theo EVN mặc dù mới sử dụng chưa tới 50% công suất, nhưng theo ước tính của ngành điện, hàng năm các nhà máy thép đã tiêu thụ tới khoảng 3,5 tỷ kWh, làm phá vỡ quy hoạch về điện do phải liên tục điều chỉnh, bổ sung, đồng thời làm cho lưới điện hiện hữu bị phá nát, manh mún.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Thép, ông Phạm Chí Cường đã không đồng tình với số liệu mà EVN đưa ra và nói rằng nếu đòi hỏi các nhà máy thép tự xây dựng nguồn điện riêng thì sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không dám đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, EVN thì cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang lợi dụng giá điện rẻ để đầu tư ồ ạt vào Việt Nam và xuất khẩu thép sang các nước khác.
Theo số liệu của EVN thì họ đang bán điện cho các nhà máy thép với giá bình quân rẻ hơn so với giá tại các nước khác trong khu vực khoảng từ 2 đến 9 cent/kWh.
Một giới chức không muốn nêu danh tính của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gọi đề xuất của EVN là “rất vô lý” và “sẽ không ai muốn đầu tư vào các dự án thép nếu đề xuất này được chấp thuận.
Theo giới chức này thì cách tốt nhất để giải quyết tình trạng thiếu điện là tăng giá điện và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nguồn: DPA, Dantri
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1