Đường dẫn truy cập

Biểu tình hôm Chủ nhật ở Hà Nội: Ý kiến của người nước ngoài


Người dân và khách nước ngoài đứng xem trong lúc cảnh sát bắt người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, 21/8/2011
Người dân và khách nước ngoài đứng xem trong lúc cảnh sát bắt người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, 21/8/2011

Thông tín viên VOA Marianne Brown ở Hà Nội ghi nhận cuộc biểu tình hôm Chủ nhật lần thứ 11 ở thành phố này, và ý kiến của một số người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.

Khi 50 người tụ tập tại hồ Hoàn Kiếm hôm Chủ nhật, người ta biết ngay đó là chuyện xảy ra thường xuyên từ mấy tháng qua ở thủ đô Việt Nam

Tuần hành ngang qua những nhóm đông công an đồng phục và thường phục, nhóm người này trương các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Người biểu tình tụ tập ở Hà Nội mỗi Chủ nhật từ độ hơn 10 tuần qua để phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Việt Nam nói các tàu Trung Quốc cố tình xen vào hoạt động thăm dầu trong vùng biển có tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam.

Tại các cuộc biểu tình trước, không khí giống như lễ hội, người biểu tình ca hát và tán gẫu với bạn bè. Nhưng lần này không khí có vẻ đe dọa hơn.

Chỉ sau vài phút có người tụ tập, một chiếc xe buýt trống đậu cặp kè vào đoàn biểu tình. Một nhóm đàn ông mặc thường phục túm lấy một số người biểu tình và lôi họ lên chiếc xe buýt. Chẳng mấy chốc chiếc xe đông chật nhưng nhiều người vẫn hát.

Cuộc trấn áp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ủy ban Nhân dân Hà Nội yêu cầu ngưng biểu tình, nếu không sẽ có những biện pháp cần thiết đối với những ai không tuân hành.

Ủy ban này nói trong những ngày vừa qua, các lực lượng chống đối trong và ngoài nước các đã xúi dục và chỉ đạo các cuộc biểu tình, vì thế cần phải ngưng tụ tập biểu tình trong thành phố.

Nhưng ông Phil Robertson của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho rằng lập luận này không đúng:

“Trong nhiều trường hợp, chỉ là những người dân bình thường có tình cảm yêu nước và không vui trước những gì Trung Quốc đang làm, và họ đã tham gia. Bôi nhọ họ bằng cách nói rằng họ là những người chống phá cách mạng thì chẳng có bằng chứng nào ủng hộ cho lập luận này cả.”

Hôm thứ Sáu, một nhóm 25 trí thức có uy tín, trong đó có một anh hùng trong chiến tranh đã nghỉ hưu, gửi kiến nghị lên ủy ban để thách thức lệnh cấm biểu tình.

Kiến nghị bác bỏ lập luận cho rằng các cuộc biểu tình có liên hệ với các thế lực bên ngoài, và khẳng định biểu tình này chỉ là một hình ảnh tốt nói lên lòng yêu nước của nhân dân.

Theo ông Robertson, chính nội bộ chính quyền cũng chia rẽ về cách đối phó với người biểu tình:

“Điều thú vị là lệnh chính thức có con dấu chính thức nhưng không có ai ký vào đó. Điều này phải chăng ở mức độ nào đó, đã có sự thiếu nhất trí trong chính quyền Việt Nam khi bỏ tù những người nêu lên các quan tâm về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.”

Vụ bắt giữ hôm Chủ nhật tương tự như vụ trấn áp hôm 17 tháng 7, có 40 người biểu tình bị dồn lên các xe lớn để về đồn công an và bị giữ lại đây trong vài tiếng.

Vụ trấn áp hôm Chủ nhật diễn ra sau khi có đàm phán sơ bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, qua đó, cả hai phía đều đồng ý là cần phải “lái dư luận đi đúng hướng.”

Tuy nhiên, biểu tình vẫn tiếp tục sau khi trên Internet có đoạn video cho thấy một công an đánh đập một người biểu tình, khiến quần chúng lên án rộng khắp.

Giáo sư Carl Thayer của Úc nói các vụ trấn áp tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới hai tuần sau cũng gặp phản ứng tiêu cực của báo chí:

“Cuộc trấn áp mạnh tạy tại thành phố Hồ Chí Minh gây tác dụng ngược cho chính quyền, nhiều người dân rất bực tức trước vụ này.”

Nhưng cuộc trấn áp ở miền nam thành công vì người dân ở đây ngưng tổ chức các cuộc biểu tình.

Trong lúc bà con và bạn bè của những người bị giam ở Hà Nội còn chờ tin tức của người thân, vẫn chưa rõ cuộc trấn áp hôm Chủ nhật có chấm dứt được những cuộc biểu tình thường lệ hiếm thấy tại xứ cộng sản này hay không.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG