Bộ Y tế Việt Nam đã bác bỏ cáo giác của các thanh tra chính phủ rằng các giới chức của bộ này đã nhận tiền hoa hồng để mua dược phẩm khẩn cấp trong thời gian có dịch cúm A/H5N1, giai đoạn năm 2005-2006.
Hãng thông tấn Đức cho hay các thanh tra chính phủ kết luận rằng bộ y tế đã mua 2 triệu liều thuốc Tamiflu với giá quá cao. Các thanh tra cũng cho rằng bộ này đã mua loại thuốc có phẩm chất kém hơn của Ấn Độ đồng thời cáo buộc các giới chức tại các công ty dược phẩm quốc doanh đã nhận tiền hoa hồng từ nhà sản xuất.
Theo báo cáo của thanh tra chính phủ, 4 công ty quốc doanh đã mua hoạt chất sản xuất dược phẩm này với giá 18.000 đôla một kg từ công ty Hetero Labs Limited của Ấn Độ và theo họ thì giá này cao hơn nhiều so với giá trong đề xuất của bộ y tế trước đó. Số thuốc này cũng chỉ có hạn sử dụng 3 năm và hết hạn vào năm 2009.
Trong khi đó, theo báo Thanh Niên thì công ty dược phẩm Roche của Đức đã ký một thỏa thuận với Bộ Y tế vào tháng 11 năm 2006 để cung cấp hoạt chất sản xuất thuốc Tamiflu có thời hạn sử dụng là 10 năm với giá chỉ bằng một nửa gía của công ty Ấn Độ là 8.500 đôla một kg. Một đại diện của Roche cho hay bộ y tế Việt Nam đã không chấp nhận đơn chào hàng này của họ.
Các thanh tra cũng cáo buộc các công ty này đã không nộp lại cho chính phủ 6,6 triệu đôla họ được hoàn trả lại từ các nhà phân phối nước ngoài.
Tuy nhiên, các giới chức y tế đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ kết luận của thanh tra chính phủ và nói rằng họ mua loại dược phẩm này với giá thành cao là do chính phủ lệnh cho họ phải dự trữ thuốc đề phòng trường hợp khẩn cấp khi đại dịch này bùng phát ra toàn cầu.
Bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, người đã chỉ đạo kế hoạch dự trữ thuốc phòng chống cúm A/H5N1 giai đoạn 2005 – 2006, nói rằng bộ y tế không chấp nhận đơn chào hàng của công ty Roche vì họ không đáp ứng được thời hạn chót là ngày 1 tháng 3 năm 2006.
Bà Chiến cũng cho rằng dự thảo kết luận của thanh tra chính phủ hoàn toàn không nêu được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, móc ngoặc, vi phạm pháp luật của lãnh đạo đơn vị hoặc các cá nhân thuộc Bộ Y tế và Tài chính trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir.
Trong công văn phản hồi về kết luận của thanh tra chính phủ, bà Chiến nhấn mạnh rằng việc thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ khi không phát hiện được các dấu hiệu hoặc chứng cứ là một quan điểm hình sự hoá một vấn đề kinh tế.
Hôm thứ Hai, giám đốc 4 công ty dược phẩm quốc doanh cũng đã tổ chức một cuộc họp báo để bác bỏ kết luận về vấn đề nhận tiền hoa hồng.
Nguồn: DPA, Thanh Nien