Với 88,46% số phiếu tán thành, Quốc hội Việt Nam hôm 6/4 đã thông qua Luật Tiếp cận Thông tin, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018.
Luật Tiếp cận Thông tin quy định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, Luật cũng ra quy định về những thông tin công dân không được tiếp cận, bao gồm những thông tin thuộc bí mật nhà nước, gồm thông tin có nội dung quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế…; những thông tin có thể gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hay tài sản của người khác; những thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan, các tài liệu soạn thảo cho công việc nội bộ của cơ quan.
Chủ tịch Ủy ban Luật pháp của Quốc hội Phan Trung Lý được báo giới trích lời cho biết trước khi Luật được thông qua, có đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa tên điều luật về thông tin công dân không được tiếp cận thành “thông tin bị hạn chế tiếp cận” hoặc “thông tin được tiếp cận hạn chế”, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định của dự thảo luật.
Luật Tiếp cận Thông tin cũng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm việc cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp thông tin chống lại nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người được cung cấp thông tin.
Theo VOV, VnExpress, Báo Xây Dựng Điện Tử.