Việt Nam vừa thu hồi dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, một dự án trị giá 3.2 triệu đôla do nước ngoài đầu tư tại tỉnh Phú Yên.
Hãng tin Reuters hôm 9/3 cho biết Việt Nam vừa thu hồi dự án vì phía chủ đầu quyết định tự chấm dứt dự án.
Báo Tuổi trẻ trích lời ông Lê Văn Thành, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên, cho biết ban này vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, nguyên nhân là do chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, một liên doanh giữa Công ty Technostar Management Limited của Anh và Công ty Telloil của Nga, bỏ dự án.
Dự án này bao gồm một nhà máy lọc dầu có công suất 8 triệu tấn/năm, tổ hợp hóa dầu và cảng biển Bãi Gốc, được triển khai trên diện tích 538ha đất.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã ký thỏa thuận hợp tác cùng Công ty DenimoTech của Đan Mạch, để xây dựng nhà máy sản xuất chất kết dính bitum, một sản làm nhựa chống thấm và nhựa đường, tại khu vực dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11-2007 với số vốn 1,7 tỉ đôla và công suất 4 triệu tấn/năm. Kế hoạch ban đầu là nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào năm 2011.
Đến tháng 4/2011, chủ đầu tư xin nâng công suất nhà máy lên 8 triệu tấn/năm, nâng vốn đầu tư lên 2,5 tỉ đôla. Tuy nhiên, đến tháng 9-2014, dự án mới chính thức động thổ.
Truyền thông trong nước nói chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chánh nên chỉ thi công hạ tầng cầm chừng, sau đó dừng hẳn nhiều tháng liền. Việc khởi công dự án cũng chưa được thực hiện.
Trước đó trang CafeF nói lý do có thể là khi nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án lọc dầu Vũng Rô năm 2008, bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu và Technostar Management Limited cũng viện lý do đó để giải thích cho sự trì hoãn của mình. Còn khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng thì nền kinh tế Nga cũng bắt đầu rơi vào khủng hoảng.
Ngoài ra, dù có trụ sở chính đặt tại Anh, nhưng Technostar Management Limited lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là doanh nhân Kirill Korolev, người hiện tại cũng đang là Giám đốc điều hành của Vũng Rô Petroleum.
Theo CafeF, nguồn vốn đầu tư vào lọc dầu Vũng Rô đến từ Nga. Khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng do chịu sự trừng phạt kinh tế từ EU, đồng rúp Nga mất giá khiến chi phí mà các nhà đầu tư mang ra nước ngoài lớn hơn gấp nhiều lần, có thể gây ảnh hưởng tới khả năng tài chính của nhà đầu tư.
Báo Tiền Phong đặt nghi vấn đề tương lai của bản thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và nhà đầu tư Đan Mạch. Tờ báo trích lời Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên nói việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng quy định thì vẫn triển khai như một dự án độc lập bình thường khác.