Đường dẫn truy cập

Việt Nam trông chờ gì vào Diễn đàn Khu vực ASEAN?


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Naypyidaw vào ngày 9/8 để tham dự các cuộc họp của ASEAN.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Naypyidaw vào ngày 9/8 để tham dự các cuộc họp của ASEAN.

Các nhà quan sát nhận định, cuộc họp quan trọng về an ninh khu vực, với sự tham gia của ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á cùng đối tác như Mỹ vàTrung Quốc, được coi là cơ hội để Hà Nội nêu bật vấn đề biển Đông, đặc biệt là những động thái làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Myanmar vào ngày 10/8.

Thông báo ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, diễn đàn này cùng với các hoạt động bên lề sẽ “kiểm điểm hợp tác ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian qua, thảo luận định hướng thúc đẩy quan hệ đối tác và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

Tuy nhiên, thông báo này không nhắc đến những vấn đề mà Việt Nam sẽ nêu lên tại diễn đàn này, trong khi các nhà phân tích cho rằng tranh chấp trên biển Đông, nhất là căng thẳng quanh giàn khoan dầu gây tranh cãi của Trung Quốc vừa qua, sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm trong nghị trình của cuộc họp.

Tin cho hay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Naypyidaw vào ngày 9/8 để tham dự các cuộc họp của ASEAN, và nhà ngoại giao này sẽ nêu vấn đề biển Đông với các quốc gia liên quan.

Đích thân Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel đã thông báo điều này tại một cuộc họp báo tại Viện Brookings ở thủ đô Washington hôm 4/8.

Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ suy nghĩ về các vấn đề ưu tiên, như trong trung hạn thì cần phải nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên [ở biển Đông] mang tính ràng buộc, cũng như trong ngắn hạn thì các bên cần phải tự nguyện nhanh chóng giảm bớt căng thẳng [trong vùng biển có tranh chấp].
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nói.

Ông cho biết: “Ngoại trưởng Kerry sẽ có cơ hội bày tỏ quan ngại của chúng tôi cũng như trao đổi với tất cả các quốc gia [tuyên bố chủ quyền ở biển Đông] đồng thời chia sẻ một số suy nghĩ của Hoa Kỳ liên quan tới các nguyên tắc giúp giải quyết các vấn đề như nguyên tắc về tự do hàng hải, về giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, về dòng chảy thương mại không bị cản trở, và về sự tôn trọng luật pháp quốc tế".

Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm: "Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chia sẻ suy nghĩ về các vấn đề ưu tiên, như trong trung hạn thì cần phải nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên [ở biển Đông] mang tính ràng buộc, cũng như trong ngắn hạn thì các bên cần phải tự nguyện nhanh chóng giảm bớt căng thẳng [trong vùng biển có tranh chấp]”.

Ông Russel cũng nêu lên một vấn đề gây đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua: giàn khoan dầu Hải Dương 981. Theo nhà ngoại giao này, việc Bắc Kinh rút giàn khoan đã loại bỏ một vấn đề thực sự gây khó chịu nhưng nó cũng để lại các hệ quả làm gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như đặt ra các câu hỏi từ các quốc gia láng giềng về chiến lược lâu dài của Bắc Kinh.

Hành động của Trung Quốc mà Việt Nam cho là vi phạm chủ quyền của nước này đã đẩy mối bang giao giữa hai quốc gia láng giềng xuống mức thấp nhất trong vòng hàng chục năm qua.

Hồi tháng Năm, tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông “bị đe dọa nghiêm trọng” vì giàn khoan dầu của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng đây cũng sẽ là một ví dụ mà các nhà ngoại giao các nước như Việt Nam và Philippines nêu lên tại ARF để làm bằng chứng cho hành động lấn lướt khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Nhận định về các diễn biến tại Diễn đàn An ninh Khu vực lần này, báo chí trong nước chạy các hàng tít như: “Biển Đông - Mối quan tâm của Mỹ tại diễn đàn ARF” hay “Mỹ sẽ ép Trung Quốc tới cùng ở biển Đông”.

Trong quá khứ, khu vực này đầy rẫy sự nghi kị lẫn nhau, sự thiếu lòng tin, nhất là về khả năng quân sự và sự lớn mạnh của các cường quốc. Khu vực này đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn trong thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh.
Giáo sư Panitan Wattanayagorn nhận định.

Theo đánh giá của Giáo sư Panitan Wattanayagorn, một nhà quan sát các vấn đề của ASEAN từ Thái Lan, các bên sẽ khó nhanh chóng đạt được tiến bộ về các vấn đề lớn như biển Đông.

Ông nhận định: "Trong quá khứ, khu vực này đầy rẫy sự nghi kị lẫn nhau, sự thiếu lòng tin, nhất là về khả năng quân sự và sự lớn mạnh của các cường quốc. Khu vực này đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn trong thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh”.

Trong khi Việt Nam chưa thông báo về các bước đi tại ARF, Philippines mới đây cho biết sẽ đề xuất tại Diễn đàn Khu vực ASEAN một kế hoạch 3 giai đoạn, trong đó có việc kêu gọi ngưng mọi hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng tại Biển Ðông.

Tuy nhiên, một giới chức cấp cao của Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này, và tuyên bố Bắc Kinh có quyền xây dựng trên các hòn đảo của họ ở biển Đông. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm về việc giải quyết song phương các tranh chấp ở biển Đông.

Các đại biểu tham dự một trong những kỳ họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Campuchia năm 2012 đã không thể ra một tuyên bố chung vì mâu thuẫn quanh vấn đề biển Đông.

Việc lần đầu tiên trong vòng 45 năm một hội nghị bộ trưởng của ASEAN không có thông cáo chung khi ấy đã gây nhiều thất vọng cho các quốc gia trong vùng.

Và một số nhà quan sát đã nhận định rằng lịch sử có thể lặp lại tại Myanmar lần này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG