VOA: Thưa Luật sư Hoàng Duy Hùng, với tư cách cá nhân và là một người theo dõi thời sự trên Internet, xin ông cho biết những nhận xét đầu tiên sau khi đọc các ý kiến mà cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trao đổi với nhà báo Phương Loan trên trang mạng VietnamNet?
LS Hoàng Duy Hùng: Thực sự sau khi đọc bài phỏng vấn của ông cựu Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên tôi có những băn khoăn và thích thú.
Băn khoăn vì chúng tôi thấy, với tư cách một người tỵ nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, chúng tôi mong thấy có thêm nhân quyền, có thêm dân chủ cho Việt Nam.
Thích thú vì chúng tôi cũng thấy phía Việt Nam hiện nay đang cố gắng vượt qua những trở ngại, bế tắc để có bang giao chặt chẽ với Hoa Kỳ để nhờ đó; thứ nhất, Việt Nam cũng vươn mình dậy về kinh tế tại khu vực; thứ hai, Việt Nam có thể có một sức mạnh chính trị; và thứ ba, có sức mạnh về quân sự để cân bằng thế lực Trung Quốc đang áp lực nặng nề lên Việt Nam.
Khi đọc bài phát biểu của ông Nguyễn Dy Niên chúng tôi cảm thấy rằng từ bên trong phía Việt Nam đã phải cố gắng, và Hoa Kỳ đã phải cố gắng. Vì Hoa Kỳ là một quốc gia hùng mạnh nhưng trên danh nghĩa đã thua một quốc gia nhỏ; nhưng Hoa Kỳ đã bỏ qua tự ái cá nhân để bắt tay với một cựu thù, để từ đó trở thành một đối tác có sức mạnh trong vùng. Tôi nghĩ hiện giờ ván cờ không còn là một ván cờ của khu vực mà là ván cờ chung của cả thế giới.
Những người Việt Nam yêu nước, băn khoăn cho đất nước, muốn đất nước thoát ra khỏi gọng kềm Trung Quốc thì bằng mọi giá phải có một con đường như thế nào đó để đưa đất nước Việt Nam đi lên.
VOA: Thưa Luật sư, sau những băn khoăn và thích thú, ông thấy các ý kiến của cựu Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên có chỗ nào đáng hoan nghênh và chỗ nào đáng chê trách?
LS Hoàng Duy Hùng: Bài nói chuyện của ông Nguyễn Dy Niên có nhiều điểm đáng hoan nghênh. Ông đã dám thẳng thắn nhìn nhận rằng nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tiếp Tổng thống Clinton qua thăm thì phía Hoa Kỳ nói chuyện một cách văn hoa, nhưng phía nhà nước lại nói chuyện rất là “văn bia”, tức là còn cứng ngắc, và “nói cho ta nghe” hơn là nói cho Mỹ nghe. Điều đó Việt Nam cần phải rút ưu khuyết điểm.
Nhưng có một điểm đáng trách là nhà nước cũng không nói rõ những biến chuyển trong ngày tháng qua sau 15 năm bang giao, vẫn có những tiếng nói yêu cầu có dân chủ, nhân quyền; những tiếng nói đối lập đó thì nhà nước hoàn toàn lăng thinh và không nhắc đến. Những người như người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại rất mong muốn có một sự cởi mở hơn về tự do ngôn luận, tự do chính trị, và đặc biệt là nhân quyền tại Việt Nam.
VOA: Cám ơn luật sư. Quay sang với buổi trao đổi online cũng trên trang mạng của VietnamNet, giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn với Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak. Ông nghĩ sao về các câu trả lời của ông đại sứ?
LS Hoàng Duy Hùng: Tôi nghĩ rằng bài nói chuyện đó rất thẳng thắn. Thẳng thắn cho phía Việt Nam cũng như phía Mỹ. Đặc biệt tôi thấy thẳng thắn ngay cả những đề tài tế nhị. Đó là đề tài dân chủ, nhân quyền, đề tài người Việt hải ngoại mà nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cũng như Đại sứ Michalak đã không né tránh.
Đầu tiên ông Ðại sứ nhìn nhận sau 15 năm bang giao, Việt Nam đã có phát triển kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ rất vững mạnh, ngày càng bước xa hơn. Từ 450 triệu Mỹ kim của 1995, xuất cảng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ; qua đến năm 2009 đã lên hơn 15 tỉ Mỹ kim; tức là gấp 32 lần so với trước đây 15 năm. Đây là một dấu hiệu tốt giữa bang giao hai nước.
Điểm mạnh thứ hai, ngoài kinh tế thì ông đại sứ cũng nói đến vấn đề Biển Đông, một đề tài rất nhạy cảm hiện nay bên trong, bên ngoài Việt Nam và cả Trung Quốc đang chú ý. Với tư cách là đại diện của Hoa Kỳ, ông Ðại sứ đã nói rằng Hoa Kỳ không nhúng tay vào nội bộ của hai quốc gia để giải quyết vấn đề, mà để cho các quốc gia giải quyết với nhau. Nhưng cách nói của ông chỉ là cách xoa dịu bề ngoài, bên trong chúng ta thấy rất rõ ràng. Ông nói rằng Hoa Kỳ đã cộng tác với Việt Nam trên rất nhiều phương diện, kể cả quân sự, để tạo ổn định trong khu vực. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ có một cảm tình đặc biệt với Việt Nam trong giai đoạn này.
VOA: Xin ông nói rõ hơn về điểm này, liệu Việt Nam có trở thành một đồng minh của Mỹ hay không?
LS Hoàng Duy Hùng: Lý do chúng tôi cảm nhận Hoa Kỳ có cảm tình đặc biệt với Việt Nam trong giai đoạn này là vì Hoa Kỳ muốn dùng Việt Nam và muốn Việt Nam như một “đối tác” hơn là một đồng minh, hiện giờ thì chưa là đồng minh, nhưng trong tương lai có thể là đồng minh. Như vậy, Hoa Kỳ muốn Việt Nam như là một đối tác để tạo thế ổn định trong khu vực về quân sự cũng như về kinh tế; cho nên đó là điểm mà chúng tôi nghĩ là tốt.
Như vậy những người Việt Nam yêu nước cũng có một cơ hội để nói rằng Việt Nam có chủ quyền vững mạnh tại Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù Hoa Kỳ không nói rằng chúng tôi không can thiệp trực tiếp nhưng gián tiếp hỗ trợ cho Việt Nam để bảo vệ chủ quyền của mình; vì ông Michalak nói rằng chính phủ Hoa Kỳ công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chữ toàn vẹn lãnh thổ rất quan trọng, như vậy những ai yêu nước đều có quyền lên tiếng để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Đó là về mặt quân sự. Còn về vấn đề dân chủ và nhân quyền thì tôi nghĩ rằng đây là vấn đề tế nhị. Phía Việt Nam thì nghĩ rằng Hoa Kỳ đang dùng đề tài này trong kế hoạch diễn biến hòa bình. Đại sứ Hoa Kỳ đã trả lời là “không”, Hoa Kỳ tôn trọng quyết định của Việt Nam. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam có dân chủ và nhân quyền như người Mỹ đã nghĩ.
Rất tiếc là phía Việt Nam nhìn khác, hai bên có ánh nhìn khác nhau, và Đại sứ Michalak có nói rằng để giải quyết vấn đề này thì Hoa Kỳ đã mở một con đường đối thoại, và những người chống đối nhà nước cộng sản Việt Nam tại hải ngoại cũng nên bắt chước con đường đối thoại đó, nếu sử dụng “khủng bố” thì Hoa Kỳ không chấp nhận.
Tôi nghĩ thời đại này là thời đại đối thoại, nhưng đối thoại như thế nào thì Việt Nam là một nhà nước, Hoa Kỳ là một nhà nước, sự đối thoại giữa hai nhà nước nó dễ dàng. Nhưng còn những người dân bên trong Việt Nam và những người đấu tranh dân chủ ở hải ngoại này, sự đối thoại đó có bình đẳng hay không? Tôi nghĩ đây là điều mà nhà nước cộng sản Việt Nam hãy để cho người dân thoải mái hơn, hãy tôn trọng những người đấu tranh dân chủ trong nước, hãy để cho có tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn; thì đất nước của chúng ta mới có cơ hội đi lên.
VOA: Ở vào thời điểm 15 năm bình thường hóa bang giao, nhìn về quá khứ và hướng tới tương lại, Luật sư có những suy nghĩ gì?
LS Hoàng Duy Hùng: Là người sinh hoạt ở thành phố Houston lâu năm, tôi thấy rằng sau 35 năm, những người yêu nước trong thế hệ cha anh của chúng tôi có người đã ra đi, số người còn lại ở lớp tuổi già thì rất lo âu làm sao cho đất nước có dân chủ và nhân quyền. Cách đây 30 năm thì con đường đấu tranh là con đường vũ trang, rồi dần dần họ mới suy nghĩ khác.
Bây giờ thì tình hình nó thay đổi, đã 35 năm nay, những người như chúng tôi là những người qua Mỹ khi mới mười mấy tuổi, bây giờ đã gần 50 tuổi thì lại có những ánh nhìn có tính cách táo bạo hơn, đi vào sự suy tư chung của giòng cuộc thế giới, hơn là cục bộ của mình. Đó là điều mà tôi nghĩ hiện giờ các vị cha anh của chúng tôi cũng có suy tư, động não về vấn đề đó.
Tôi nghĩ rằng trong bước tiến từ 5 đến 10 năm, muốn hay không muốn, tôi nghĩ một chân trời mới cho Việt Nam có dân chủ tự do thực sự sẽ phải được sự cộng tác của tất cả mọi người ở mọi phía, thì đất nước của chúng ta mới đi lên.
Nhiều giới chức đã lên tiếng nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ. Trên trang mạng của VietnamNet có ý kiến cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và buổi trò chuyện với Đại sứ Mỹ Michael Michalak. Với tư cách là một người tỵ nạn, Luật sư Hoàng Duy Hùng, Nghị viên người Việt đầu tiên của thành phố Houston, Texas có một số nhận xét về phát biểu của hai giới chức vừa nêu.