Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận thất bại của chính phủ trong việc để tập đoàn đóng tàu của nhà nước Vinashin đến bên bờ vực phá sản trước Đại hội Đảng.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 24/11 về khoản nợ khổng lồ của Vinashin, ông Dũng nói: ‘Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém của chính phủ’.
Thủ tướng Việt Nam được hãng tin AFP trích lời nói thêm: ‘Công tác giám sát đã không thực sự hiệu quả và chính phủ đã không ngăn chặn được các việc làm sai trái của Vinashin’. Ông Dũng thừa nhận rằng việc làm của Vinashin đã để lại ‘các hậu quả nghiêm trọng’.
Trả lời quốc hội hôm 23/11, Bộ trưởng Giao thông Việt Nam cho biết con số nợ của tập đoàn Vinashin đã lên tới ít nhất 86 nghìn tỷ đồng (4,3 tỷ đôla), tức là bằng 4,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hồi năm ngoái.
Bà Phạm Thị Loan, Đại biểu thành phố Hà Nội, một trong những người chất vấn Thủ tướng về việc trả nợ của Vinashin, cho Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ biết, câu trả lời của ông Dũng ‘chưa được như mong muốn’.
Bà Phạm Thị Loan nói: "Đến bây giờ mà các lãnh đạo vẫn chưa biết và hiểu được các chi tiết là làm như thế nào để họ trả được nợ thì rất là khó nghĩ, bởi vì đáng lẽ ra tất cả các phương án đấy thì người ta phải biết, người ta phải có cái nhìn thấu đáo để đưa ra phương án để thông báo với nhân dân. Nếu mà nói theo kiểu suy nghĩ một cách cảm quan thì sẽ rất là khó, vì vấn đề kinh tế mình đâu có thể nói theo cảm quan được, mà phải bằng các phép tính, các bài toán hẳn hoi thì mới đưa ra được chứ. Nếu mà cảm quan thì rất khó trong việc thuyết phục nhân dân."
Ông Dũng cho biết chính phủ ‘sẽ làm hết sức để ngăn chặn các vụ việc như Vinashin’, đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ lãnh đạo nào của Vinashin bị phát hiện vi phạm pháp luật ‘sẽ bị xử lý’.
Theo báo chí trong nước, Thủ tướng Việt Nam cho biết thêm, ông, các Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ có liên quan tới việc quản lý nhà nước và chủ sở hữu với Vinashin đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và việc
Bà Loan nói tiếp: "Về trách nhiệm, Thủ tướng cũng chưa thấy nhận trách nhiệm cụ thể gì. Việc nhận trách nhiệm chung chung rồi để đấy thì đó không phải là cái nhân nhân người ta mong muốn."
Theo đánh giá của hãng tin AFP, vụ bê bối của Vinashin đã bị những người phản đối Thủ tướng Việt Nam trong Đảng Cộng sản cầm quyền dùng để chỉ trích ông trước kỳ Đại hội đảng vào tháng Giêng tới đây, khi các vị trí lãnh đạo hàng đầu được quyết định.
Hồi đầu tháng này, Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Dũng, người đã bổ nhiệm cựu chủ tịch Vinashin là Phạm Thanh Bình.
Ông Bình bị đình chỉ chức vụ hồi tháng Bảy và sau đó đã bị bắt vì bị nghi đã ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.
Lời kêu gọi của ông Thuyết về việc điều tra trách nhiệm của chính phủ đã bị Quốc hội phản bác ngày hôm nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng coi việc này là ‘chưa cần thiết’.
Các nhà quan sát cho rằng vụ Vinashin cho thấy việc thiếu giám sát và quản lý vốn lỏng lẻo đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Ngoài vấn đề Vinashin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trả lời chất vấn về một số nội dung khác như kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả hay khai thác bôxit.
Theo đánh giá của AFP, cho dù hơn 90% trong số gần 500 đại biểu quốc hội Việt Nam là đảng viên đảng Cộng sản, nhưng trong những năm gần đây, họ đã mạnh mẽ lên tiếng hơn về các vấn đề lớn của đất nước.
Nguồn: AFP, AP, VOA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1