Sang Nam Triều Tiên làm công nhân lao động từ năm 2005, đây không phải là lần đầu tiên anh Trần Văn Đoàn chứng kiến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên gặp sóng gió.
Là một người tự nhận ‘quan tâm tới tình hình chính trị địa phương’, anh công nhân người Nam Định đánh giá rằng ‘động thái của Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) lần này rất nghiêm trọng’.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ Seoul hôm 23/11, anh Đoàn cho biết hiện anh rất ‘hoang mang’.
Anh nói: ‘Ở các công xưởng và nhà máy hay tất cả những nơi công cộng, không những người Việt Nam mà người Hàn Quốc tất cả đều xem truyền hình, TV để xem tình hình diễn biến như thế nào'.
Anh cho biết thêm: 'Các công xưởng, nhà máy bàn luận rất là xôn xao. Chả biết là tình hình hòa bình diễn biến như thế nào, cái này phải đợi quyết định của hai nước’.
Công nhân lao động xuất khẩu này hiện làm việc trong ngành công nghệ ở Seoul, mà theo anh là ‘cách không xa biên giới hai miền Triều Tiên’.
Theo anh Đoàn, chính bởi vị trí của Seoul mà cộng đồng người Việt ở thủ đô của Nam Triều Tiên quan tâm tới ‘các diễn biến hiện thời’.
Anh cho hay: ‘Trung tâm của Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) cách Seoul khoảng 100 cây số, còn biên giới chỉ cách mấy chục cây. Hai nước cũng gần nhau. Đợt trước người ta cũng phân tích rằng các đạn pháo của Triều Tiên có thể bắn qua trung tâm thủ đô Seoul, tức là nếu trong tình trạng chiến tranh, người ta chỉ cần đứng ở bên nước người ta bắn qua thì tên lửa có thể bắn qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc'.
Công nhân này nói tiếp: 'Nếu mà chiến tranh xảy ra thì các cơ quan người ta sẽ phải trục xuất hoặc có biện pháp nào đấy đưa người nước ngoài về nước. Chiến tranh xảy ra sẽ gây khó khăn về nhiều cái, kinh tế cũng như thương mại cũng như chính trị’.
Từ thành phố cảng Busan, cách thủ đô Seoul khoảng 400 km, anh Nguyễn Văn Phước, một công nhân Việt Nam cho hay, các công nhân người Việt tại đây cũng ‘theo dõi sát sao căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên’.
Anh cho biết: ‘Tất nhiên là có quan tâm, bởi vì cái này nó cũng quan tâm tới cuộc sống của họ thôi. Nếu họ không quan tâm thì làm sao họ nắm bắt được Hàn Quốc bây giờ ra sao, và Triều Tiên bây giờ ra sao. Mọi người cũng đọc báo, có những người cho rằng đấy chỉ là một cái dọa dẫm thôi. Họ cũng phớt lờ đi, và không quan tâm nhiều lắm, nhưng cũng có những người quan tâm rất là sâu sắc’.
Hôm nay, Việt Nam đã chính thức lên tiếng về vụ bắn đạn pháo trên bán đảo Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, Hà Nội 'quan ngại' về vụ này đồng thời cho biết 'phản đối bất kỳ hành động quân sự nào làm hại thường dân vô tội'.
Việt Nam 'kêu gọi các bên liên quan 'giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình'.
Trước mắt, anh Phước cho biết, anh mong Việt Nam sẽ quan tâm tới các công nhân ở Nam Triều Tiên ‘một khi tình hình xấu đi’.
Công nhân người tỉnh Hải Dương nói: ‘Tình hình nó căng thẳng hơn thì đất nước Việt Nam cũng có một chút trách nhiệm là đưa những người ở bên Hàn Quốc trở về quê hương. Chứ bây giờ em cũng không biết làm sao. Tự về cũng không thể về được. Nếu chiến tranh xảy ra thì chắc chắn các sân bay không hoạt động rồi, mà có hoạt động thì chắc chỉ một số ít thôi'.
Công nhân này nói thêm: 'Nếu Việt Nam mà không đưa máy bay sang để đón những người lao động trở về, thì người lao động ở bên này không biết phải làm như thế nào nữa cả. Cái này em vẫn chưa hình dung ra được’.
Trong khi đó, công nhân Trần Văn Đoàn cho hay, một số người đã ‘có tư tưởng muốn về quê, về nước’.
Anh Đoàn nói: ‘Tất cả có những xung đột của hai bên thì bây giờ được báo chí TV đưa rất là chi tiết thì người Việt mình ở các địa phương rất là quan tâm để xem tình hình chiến sự như thế nào để có chuẩn bị về quê ăn Tết hay không hay ở lại làm ăn. Có nhiều người cũng đưa ra ý kiến hai chiều. Có người muốn ở lại cư trú làm việc tiếp, có những người nói nếu có chiến sự, họ muốn trở về với quê hương, đất nước’.
Theo anh Phước, số lượng công nhân Việt Nam được cho là ‘lớn nhất trong số lao động nước ngoài ở Nam Triều Tiên’.
Hiện chưa có con số chính thức về các công nhân Việt Nam làm việc ở Nam Triều Tiên, nhưng ước tính, con số lên tới ‘hàng chục nghìn người’.