Đường dẫn truy cập

Việt Nam xích lại gần Úc để kiềm hãm Trung Quốc


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (Photo: Nhan dan)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (Photo: Nhan dan)

Việt Nam đang xích lại gần nước Úc giữa lúc Hà nội mưu tìm sự hỗ trợ rộng rãi hơn của quốc tế trong một nỗ lực nhằm kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Canberra và Hà nội hôm 15 tháng 3 ký hiệp định hợp tác chiến lược nhằm tăng cường đối thoại cấp cao, đánh dấu việc nâng cấp các quan hệ đối tác khác đã có hiệu lực từ năm 2009, theo Bộ Ngoại giao Úc. Quan hệ đối tác này bao gồm các cam kết sẽ giải quyết các "mối đe dọa về an ninh" và cùng hợp tác để "hoạch định chính sách hàng hải".

Úc và Việt Nam ký kết hiệp định trong bối cảnh Hà nội đang mưu tìm sự giúp đỡ rộng rãi hơn để kiểm soát một nước Trung Quốc hùng mạnh hơn trên Biển Đông. Về phần minh, Úc cũng đang tìm kiếm những hướng tiếp cận hầu có thể xâm nhập sâu hơn vào Đông Nam Á, khu vực nơi nước Úc có những lợi ích an ninh và kinh doanh.

Luật sư Frederick Burke thuộc công ty luật Baker McKenzie ở tp. HCM nói:"Trong chừng mực hai nước đặc biệt quan tâm tới tự do hàng hải và vụ tranh chấp Biển Đông, cả hai nước chia sẻ chung những lợi ích của việc duy trì các tuyến hàng hải khu vực rộng mở cho giao thương quốc tế."

Lợi ích biển hội tụ

Trung Quốc và Việt Nam tranh giành chủ quyền của một số khu vực trong vùng biển giàu tài nguyên trải dài hơn 3,5 triệu km vuông từ Hồng Kông cho đến Borneo. Đài Loan và ba quốc gia Đông Nam Á khác cũng tuyên bố chủ quyền một phần vùng biển này.

Các nhà phân tích nói Việt Nam đang xây dựng quan hệ hữu nghị với nhiều nước để bảo vệ tàu đánh cá, thăm dò năng lượng ở ngoài khơi và đòi chủ quyền.

Theo ông Termak Chalermpalanupap, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), Việt Nam đang tìm kiếm các nước bạn và sự hỗ trợ ở khắp mọi nơi. "Việt Nam đã đa dạng hóa."

Tư liệu- Chiến đấu cơ Úc sẵn sàng cho một sứ mạng huấn luyện tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ, ngày 7/2/2013.
Tư liệu- Chiến đấu cơ Úc sẵn sàng cho một sứ mạng huấn luyện tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ, ngày 7/2/2013.

Australia, đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, cũng đang đối mặt với một số vấn đề riêng với Trung Quốc. Úc có chân trong một liên minh 4 quốc gia quy tụ các nước liên kết với phương Tây gồm: Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Các nguyên thủ quốc gia của Bộ Tứ này đã gặp nhau tại Manila hồi tháng 11 năm 2017 để thảo luận cách duy trì vùng biển mở cho tàu bè quốc tế qua lại tự do. Úc và Nhật Bản lúc đó kêu gọi thiết lập một "trật tự dựa trên luật pháp" và yêu cầu tất cả các bên "tôn trọng luật pháp quốc tế".

Năm ngoái, Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2014, Nhật Bản đồng ý cung cấp 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Năm nay trong tháng này Hoa Kỳ phái tàu sân bay USS Vinson cùng nhóm tàu hộ tống tới Đà Nẵng, lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam sau chiến tranh.

Tranh chấp Biển Đông

Nhiều binh sĩ hải quân Việt Nam đã thiệt mạng trong trận hải chiến năm 1974 giữa Việt Nam Cộng Hoà với Trung Quốc, và trận đụng độ giữa hải quân Việt Nam với Trung Quốc năm 1988. Năm 2014, tàu Trung Quốc và Việt Nam đâm vào nhau sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Úc không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Giáo sư Stuart Orr, giảng dạy môn nghiên cứu chiến lược tại Đại học Deakin, nói Australia có thể giúp liên minh bốn bên giám sát Biển Đông.

Ông nói quan hệ đối tác với Việt Nam “giúp nước Úc hiện diện gần khu vực hơn và Việt Nam cung cấp môt nguồn thông tin phụ trội về các vấn đề khu vực.”

"Tôi không nghĩ Úc sẽ điều tàu sân bay vào Biển Đông như Mỹ đã làm mới đây.”
Chuyên gia khu vực

Tuy nhiên cả Úc và Việt Nam đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của mình, thực trạng này có nghĩa là hai nước sẽ tìm mọi cách để tránh đối đầu với Trung Quốc trên biển. Chuyên gia khu vực Burke nói: "Tôi không nghĩ Úc sẽ điều tàu sân bay vào Biển Đông như Mỹ đã làm mới đây.”

Yếu tố Mỹ: Vai trò không chắc chắn của Mỹ

Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến Australia vì không chắc Hoa Kỳ sẽ làm gì trong vụ tranh chấp Biển Đông, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp.Hồ Chí Minh nói. Các học giả trong khu vực lưu ý rằng cho tới giờ, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa minh định một chính sách kinh tế và chính trị cho châu Á,

Ông Nguyễn Thành Trung nói: "Với chính sách ngoại giao đa phương, Việt Nam có thể xây dựng một lực đối trọng chống Trung Quốc trong trường hợp Mỹ không duy trì một sự hiện diện trong khu vực". Ông nói mặc dù Úc là một cường quốc hạng trung, nhưng trong một số tình huống, nước này có thể bù đắp cho sự vắng mặt của Hoa Kỳ về một số khía cạnh trong bối cảnh Hoa Kỳ trở lại với chính sách “Nước Mỹ trên Hết.”

Lợi ích kinh doanh của Úc

Các nhà phân tích cho rằng Úc đã ký kết quan hệ đối tác với Việt Nam để mưu tìm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Canberra cho rằng nhóm 10 nước ASEAN, kể cả Việt Nam, là chìa khoá cho an ninh khu vực, và cũng là một thị trường quan trọng cho các công ty Úc.

Ước lượng Khối ASEAN có dân số tổng cộng lên tới 630 triệu người, bao gồm các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Việt Nam có thể tạo điều kiện để Australia nối kết với ASEAN.

Kim ngạch thương mại Úc- Việt Nam trong năm 2016 và 2017 đạt 9 tỉ USD, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc.

Ngày 17 và 18 tháng 3 vừa rồi, Australia tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên với ASEAN nhắm ứng phó với “những thách thức an ninh chung" và thăng tiến các cơ hội kinh doanh của Úc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG