Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới lên tiếng sau khi một số tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối việc Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/9, bà Hằng nói rằng “chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam”.
Nữ phát ngôn viên này cũng khẳng định lại “chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người”. “Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, bà Hằng nói, theo nội dung cuộc họp báo hôm 22/9.
Người phát ngôn này cũng nhắc tới việc hồi tháng Ba, “Việt Nam đã công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III” và bà cho rằng điều đó “thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung”.
“Việt Nam luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước; sẵn sàng cung cấp, trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau”, bà Hằng nói.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, mới đây, tám tổ chức nhân quyền vừa gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng LHQ kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)”.
Bức thư, được viết với sự hỗ trợ của Khoa Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Trường Luật Berkeley, Đại học California, Hoa Kỳ, nêu lên một số ví dụ như việc Việt Nam “đàn áp” các tổ chức phi chính phủ, các vụ bắt bớ “tùy tiện” các nhà báo độc lập, một số “hạn chế” đối với các nhóm tôn giáo, “sự quấy rối liên tục và phổ biến” đối với những người bảo vệ môi trường và đất đai, những người ủng hộ nhân quyền, và “liên tục từ chối quyền được xét xử theo đúng thủ tục” của những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác.
Tin cho hay, Việt Nam hiện ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp “Tôn trọng và Hiểu biết - Đối thoại và Hợp tác - Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”.