VOA: Ủy ban Bảo vệ Blogger Quốc tế nhận định như thế nào về các vụ bắt giữ những người viết blog gần đây tại Việt Nam?
Ông Andrew Ford Lyons: Hiện chúng tôi vẫn quan ngại vì những vụ việc như thế này diễn ra một thời gian rồi, nhưng cộng đồng quốc tế dường như ít quan tâm tới những gì đang xảy ra đối với các blogger ở Việt Nam.
Dường như tại đây, các blogger đang hoạt động mà không nhận được hỗ trợ đủ mạnh, nhất là về mặt pháp lý, như tại các nước khác.
VOA: Ông hiện làm việc tại Anh, vậy theo quan sát của ông, các blogger nước này có được tự do viết những gì họ muốn không?
Ông Andrew Ford Lyons: Tôi nghĩ là họ được tự do hơn. Nhưng thực ra tôi cho rằng khó có thể nói rằng một ai đó tại bất kỳ nơi nào trên thế giới được hoàn toàn tự do viết những gì mình muốn.
Tại Anh, cũng có những giới hạn nhất định về những gì bạn có thể nói, nhưng rõ ràng họ tự do hơn khi bày tỏ quan điểm cũng như trao đổi về các chính trị gia hay chỉ trích chính sách mà không sợ bị trả thù.
VOA: Thưa ông, trong tình huống nào thì một blogger ở Anh có thể bị bắt giữ và bị truy tố?
Ông Andrew Ford Lyons: Họ có thể bị bắt và truy tố nếu khích động bạo lực và hằn thù sắc tộc nhắm vào một nhóm người nào đó, hoặc họ bị coi là chia sẻ các thông tin được cho là gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác.
Sở dĩ tôi dùng từ ‘được cho’ là bởi vì một hành động có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Tôi lấy ví dụ, có người đã gặp rắc rối vì nói tới các vấn đề liên quan tới chủ nghĩa cực đoan và khủng bố vốn đáng bị lên án. Họ có trực tiếp khích động một điều gì đó hay không nhiều khi lại phụ thuộc vào cách người ta diễn giải vấn đề.
VOA: Vậy theo ông, nói chung, vai trò và trách nhiệm của một blogger là gì?
Ông Andrew Ford Lyons: Về cơ bản, theo tôi nghĩ, vai trò của một blogger là nêu lên quan điểm cũng như ý kiến của họ về cuộc sống quanh mình. Nhưng họ cũng cần phải hiểu rằng như bất kỳ ai, khi họ phát đi thông điệp của mình, họ không còn có thể kiểm soát được thông điệp đó, cũng như cách thức người ta tiếp cận và diễn giải nó.
Một trong những điều chúng tôi hay khuyên những người viết blog là hãy tự bảo vệ bản thân mình, hãy hiểu rõ và nắm rõ về những gì mình viết ra. Tốt nhất, họ nên lường trước các hệ quả mà những bài viết của mình mang lại, cũng như sẵn sàng đương đầu với các hậu quả.
Dĩ nhiên, Ủy ban Bảo vệ Blogger Quốc tế muốn tự do ngôn luận cho mọi người, và muốn mọi người được nói lên những điều họ nghĩ, nhất là về các vấn đề như nhân quyền, chính trị hay cải cách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng một blogger cho dù có được quốc tế công nhận, hay các bài viết của họ được đăng lại ở khắp nơi, nhưng khi cảnh sát tới nhà họ, họ không còn là một công dân mạng của thế giới nữa, mà họ vẫn còn là công dân của nước họ và phải tuân thủ các luật lệ sở tại.
Vậy nên, họ phải cân nhắc nhiều vấn đề như làm sao bảo vệ danh tính hay cân nhắc những vì mình viết ra xem chúng có an toàn không.
VOA: Không ít blogger tại Việt Nam được cho là viết theo tin đồn thổi mang tính xúc phạm danh dự và phỉ báng người khác. Ông nghĩ sao về việc này?
Ông Andrew Ford Lyons: Nhìn chung, khi viết về một vấn đề nào đó, các blogger nên viết một cách chính xác và trung thực. Khi viết về lời đồn thổi, họ phải chú thích nguồn tin và nói rằng đó là tin đồn. Theo tôi, họ vẫn có thể viết về các tin đồn, chừng nào họ phải nhấn mạnh đó chỉ là thông tin đồn thổi. Thông tin kiểu như vậy có thể khiến bạn gặp rắc rối nếu người ta diễn giải rằng bản thân bạn đưa ra nội dung thông tin đó.
VOA: Là một thành viên của Ủy ban Bảo vệ Blogger Quốc tế, ông có lời khuyên nào đối với những người viết blog ở Việt Nam không?
Ông Andrew Ford Lyons: Thật khó để tôi có thể đưa ra lời khuyên đối với các blogger ở Việt Nam vì tôi không phải là người Việt cũng như sinh sống Việt Nam. Thật ra có khi họ lại có nhiều lời khuyên cho tôi về việc trao đổi và thảo luận về chính trị và chính sách trong bối cảnh như vậy.
Tuy nhiên, tôi khuyên các blogger ở Việt Nam lnên tự bảo vệ mình trước và nên sử dụng các đường truyền Internet bảo đảm an ninh. Họ cũng phải thừa nhận rằng họ có thể gặp nguy hiểm vì những gì nói ra, nên họ phải thận trọng và sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho mình còn hạn chế như dùng trình duyệt proxy hay không sử dụng danh tính thật.
Bạn không thể kiểm soát được điều chính quyền sẽ làm, mà bạn có thể kiểm soát được điều mình sẽ làm. Khi bạn chuẩn bị viết về một ai đó có quyền lực, và có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả, bạn phải cẩn trọng về những gì mình viết cũng như cách thức mình sẽ đăng tải nội dung đó.
Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.