Hãng chế tạo xe hơi điện VinFast của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng lỗ ròng gần 19 nghìn tỷ đồng, tương đương 773,5 triệu đô la trong quý 2 năm nay, tăng 27,3% so với quý 1 và tăng 39,7% so với quý 2 của năm ngoái, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán của hãng được công bố trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Mỹ hôm 20/9.
Con số lỗ ròng của VinFast trở nên lớn hơn vì hãng đã chi tiêu thêm cho việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài cũng như do giá trị tài sản bị suy giảm, thông tin trong bản báo cáo tài chính cho thấy.
Chi phí bán hàng và hành chính-tổng hợp trong quý 2 là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng (hơn 158 triệu đô la), tăng 25,5% từ mức của quý 1, chủ yếu do hãng tốn nhiều chi phí bán hàng và marketing hơn, là kết quả của tình trạng suy giảm giá trị tài sản.
Lỗ gộp của VinFast trong quý 2 là hơn 5,4 nghìn tỷ đồng (hơn 224 triệu đô la), tăng 42% từ quý 1 và hơn 61% từ mức của 1 năm trước.
Biên lợi nhuận gộp của hãng trong quý 2 là âm 62,7%, thể hiện sự đi xuống so với con số âm 58,7% của quý 1 và âm 42,5% của quý 2 năm 2023. Nguyên nhân chính là hãng chấp nhận rằng hàng tồn kho bị giảm giá trị 104 triệu đô la trên sổ sách, so với mức 5 triệu đô la trong quý 1.
Các mức lỗ và chi phí gia tăng nêu trên xảy ra cùng lúc VinFast đẩy mạnh việc bàn giao xe, với hơn 13 nghìn xe hơi điện được giao trong quý 2, tăng 44% so với quý 1 và 43% so với quý 2 năm ngoái, vẫn theo bản báo cáo được đăng trên trang của Ủy ban Chứng khoán Mỹ.
VinFast nói trong bản báo cáo rằng 51% trong số hơn 13 nghìn xe kể trên đã được giao cho các bên có liên quan đến chính VinFast.
Tính chung, trong nửa đầu năm, hãng đã giao hơn 22 nghìn xe cho các khách hàng và đối tác. Hãng đặt ra mục tiêu sẽ giao tổng cộng 80 nghìn xe hơi điện trong cả năm. Như vậy, để được coi là thành công, hãng sẽ phải giao gần 58 nghìn xe trong nửa còn lại của năm.
Theo báo cáo của VinFast, đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của hãng là hơn 6,12 tỷ đô la, trong khi hãng nợ ngắn hạn là hơn 6,7 tỷ đô la, nợ dài hạn là hơn 2,8 tỷ đô la và lỗ ròng là hơn 1,38 tỷ đô la.
Diễn đàn