Luật Cảnh sát biển vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 cho phép lực lượng chấp pháp của Việt Nam “truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển” và được quyền hoạt động “ngoài vùng biển Việt Nam”.
Trả lời TTXVN, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết đây là quy định mới, khắc phục được những bất cập của hệ thống luật pháp hiện hành và rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008.
Theo đó, khoản 2, Điều 11 của luật mới quy định “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam”.
Luật cũng cho phép cảnh sát biển Việt Nam được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong trường hợp tàu thuyền vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của cảnh sát biển; hay khi thực hiện hợp tác quốc tế trong việc truy đuổi.
Ngoài ra, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam còn có quyền huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật quân sự trong các trường hợp khẩn cấp, trong đó có tình huống khẩn cấp cần bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật.
Với tình hình tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng trên Biển Đông, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vốn đã được áp dụng 20 năm qua, được xem là có quá nhiều bất cập khi không quy định chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cho lực lượng cảnh sát biển, cũng không có quy định về việc phối hợp giữa lực lượng này với các lực lượng khác như hải quân, kiểm ngư, biên phòng, dân quân tự vệ… khi cần thiết, không quy định về phạm vi hoạt động của cảnh sát biển bên ngoài vùng biển Việt Nam.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, Việt Nam hiện đang âm thầm thúc đẩy tăng cường lực lượng “dân quân” trong ngư dân bằng các sử dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước nằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc, mặc dù trên bình diện ngoại giao chính thức, cả hai phía đều đề cập đến việc hạ giảm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền.
Tin cho hay lực lượng “dân quân hàng hải” của Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2009, khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Dân quân tự vệ cho phép lực lượng này hộ tống các đội tàu đánh cá của Việt Nam.
Theo một nghiên cứu của các học giả Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, hiện có 13 trung đội dân quân hàng hải đang giúp đỡ cho hơn 3.000 ngư dân ở Đà Nẵng trong các hoạt động đánh bắt cá ở Hoàng Sa, và hơn 10.000 ngư dân với khoảng 2.000 tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa đã được trang bị máy bộ đàm, ống nhòm nhìn xuyên đêm bằng tia hồng ngoại...