Lần đầu tiên chính phủ Việt Nam quyết định bán toàn bộ cổ phần của 2 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống để tìm nguồn tiền cho ngân sách đang thiếu hụt.
Chính phủ trong tháng này đã công bố sẽ bán toàn bộ cổ phần trị giá 2,2 tỷ đô la từ 2 công ty bia lớn nhất do nhà nước sở hữu – Sabeco và Habeco. Với văn hóa uống bia và mức tiêu thụ bia tăng cao, 2 tổng công ty bia rượu và nước giải khát của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong số những doanh nghiệp ‘vàng’ của nhà nước.
Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ khi chính phủ quyết định từ bỏ toàn bộ quyền sở hữu của mình trong những doanh nghiệp lớn nhất để đẩy nhanh kế hoạch tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này cho thấy chính phủ Việt Nam đang gặp khó khăn với nguồn vốn ngân sách. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển được tờ Bưu Điện Nam Hoa Buổi Sáng trích lời nói rằng “điều này cho thấy ngân sách nhà nước đang căng thẳng như thế nào.”
Kinh tế gia Phạm Chi Lan cũng đồng ý với nhận xét này và cho rằng nhà nước đang cần vốn để đầu tư vào các lĩnh vực khác phục vụ cho cuộc sống của đông đảo người dân và các nhu cầu khác của nền kinh tế. Bà Lan nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một động thái đáng hoan nghênh của chính phủ Việt Nam:
"Tôi động viên nhà nước là nên bán bớt các cổ phiếu đi. Theo nguyên lý cơ bản nhất là nhà nước nên dứt khỏi các hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy để cho thị trường làm. Ngoài ra xuất phát từ thực tế ở Việt Nam là nhà nước còn nắm giữ quá nhiều các công ty nhà nước mà các công ty này sử dụng quá nhiều tài sản của đất nước và phần lớn trong họ lại không sử dụng một cách có hiệu quả. Họ giữ những đặc quyền trong nhiều mặt kể cả quyền kinh doanh về những lĩnh vực có giá trị thương mại cao như ngành bia chẳng hạn."
Gần đây, chính phủ Việt Nam cho biết đang cần có hàng tỷ đô la để đầu tư vào cơ sở hạ tầng để xây dựng các đường cao tốc và sân bay trong khi doanh thu ngân sách nhà nước giảm do giá dầu xuống thấp và hạn hán làm thất thu về lợi nhuận nông nghiệp. Theo Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, thâm hụt ngân sách năm 2016 có thể vượt quá mức 4,95 % của GDP như đã đề ra.
Bà Lan nói với VOA Việt Ngữ rằng nguồn lực của chính phủ Việt Nam khó khăn hơn trước đây vì đã tham gia vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình:
"Những năm trước đây Việt Nam hy vọng được nhiều nguồn vốn ODA của các nước cung cấp cho và tài trợ cho các dự án thì trước đây vay mượn được nhiều nhưng sau này khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình rồi thì khả năng vay mượn khó hơn – vừa ít đi về nguồn vốn mà điều kiện vay mượn khắc nghiệt hơn nhiều. Và những năm này Việt Nam đang trong thời kỳ phải trả nợ rất nhiều những khoản vay ODA từ ban đầu nên bây giờ là lúc phải tăng cường trả nợ rất nhiều."
Theo kinh tế gia này, có những năm tiền trả nợ vốn ODA của Việt Nam chiếm tới hơn 20% ngân sách nhà nước và việc nhà nước bán tài sản – như Sabeco và Habeco – là tốt hơn khi tìm cách huy động thêm vốn từ doanh nghiệp và người dân “vì huy động nhiều quá thì người ta không còn động lực để làm sản xuất kinh doanh gì nữa và thực tế thì cũng không có sức để đóng góp theo nhu cầu của nhà nước.”
Việt Nam đã đề ra chỉ tiêu đạt mức độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay nhưng theo dự báo của các kinh tế gia, mục tiêu này khó đạt được bởi nợ công của Việt Nam đã đạt con số 62% và đang tiến tới mức trần 65% của GDP. Nhưng bà Lan nói mục tiêu tăng trưởng kinh tế không nên là những con số quá tham vọng:
"Tôi nghĩ là con số bao nhiêu phần trăm không quan trọng và không nhất thiết nhà nước phải theo đuổi 1 chỉ tiêu cao như vậy. Cái quan trọng là cải thiện được tình hình đầu tư và sự hiệu quả của nền kinh tế và tập trung vào đổi mới và tái cơ cấu kinh tế thì hơn là chạy theo những chỉ số về tăng trưởng."
Theo con số thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, GDP của Việt Nam đạt 193,6 tỷ đô la trong năm ngoái, trong đó các công ty nhà nước đóng góp 1/3 của tổng sản lượng quốc nội.
Theo nguồn tin từ chính phủ, cổ phiếu của Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán bắt đầu từ năm sau cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiêu thụ bia phát triển nhanh nhất thế giới với mức tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm qua và tăng hơn 200% trong 1 thập kỷ qua. Nhưng bia rượu cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Gần đây để khống chế tình trạng tiêu thụ rượu bia tăng cao, chính phủ đang tìm cách ban hành quy định cấm bán rượu bia theo giờ.