Đường dẫn truy cập

VN là lựa chọn hàng đầu thay thế TQ về sản xuất đồ điện tử?


Một dây chuyền lắp ráp điện thoại của Vingroup ở Hải Phòng, tháng 12/2018
Một dây chuyền lắp ráp điện thoại của Vingroup ở Hải Phòng, tháng 12/2018

Từ đất nước lâu nay thu hút đầu tư vào ngành chế tạo xuất khẩu nhờ lao động giá rẻ, Việt Nam đang chuyển sang làm hàng hóa có giá trị cao hơn.

Các nhà phân tích cho biết đầu tư vào các nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính và phụ kiện như tai nghe đang đưa Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị. Xuất khẩu điện thoại, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hàng đầu, đạt tổng cộng 45,1 tỷ đô la trong năm 2017, còn máy tính cộng với các mặt hàng điện tử khác chiếm vị trí thứ 3 sau hàng dệt may ở mức 25,9 tỷ đô la.

Tổng kim ngạch hàng điện tử là danh mục xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, theo hãng tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates. Còn nhà nghiên cứu thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc hãng IHS Markit, ông Rajiv Biswas, nhận xét: "Đã có sự dịch chuyển sang gia tăng giá trị cao hơn trong ngành điện tử".

Chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng 50% mức chủ sử dụng lao động phải trả ở Trung Quốc, hãng Dezan Shira & Associates cho hay. Lợi thế đó đã giúp Việt Nam biến chuyển từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá vào những năm 1970 thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á hiện nay.

Các nhà phân tích ở Việt Nam cho biết các trường đại học và các chương trình đào tạo của các công ty đã nâng cao kỹ năng của công nhân Việt Nam để họ có thể chế tạo các bộ phận cho thiết bị điện tử cũng như lắp ráp hàng hóa thành phẩm. Trung Quốc lâu nay vẫn dẫn đầu về đào tạo lực lượng lao động.

Giờ đây, Việt Nam “rõ ràng là một lựa chọn hàng đầu để thay thế" trong ngành điện tử, ông Biswas nói, đặc biệt là khi Trung Quốc mất đi tính cạnh tranh do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

"Điều tôi bắt đầu thấy là sự chuyên môn hóa giữa các quốc gia khác nhau trong các ngành cụ thể, và tôi nghĩ rằng Việt Nam hiện đã được công nhận rộng rãi là một trung tâm sản xuất đồ điện tử, và tôi hình dung rằng trong những năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục dồn sức cho ngành này để các công ty trong nước có thể tham gia ngày càng nhiều hơn", ông Maxfield Brown, chuyên viên kỳ cựu của hãng Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Hãng LG có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh đến thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam, hãng tin Hàn Quốc Hankyoreh cho biết hồi tháng 4.

Hãng điện tử khổng lồ này sẽ theo chân Samsung Electronics, là tập đoàn đã đổ hơn 17 tỷ đô la vào các nhà máy và hoạt động nghiên cứu phát triển (R & D) ở Việt Nam. Samsung cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam khuyến khích các hãng nước ngoài đầu tư mở nhà máy bằng cách cải thiện khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và phát triển lực lượng lao động "chất lượng", Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trên trang web của họ.

Việt Nam giờ không còn ưu đãi cho các nhà sản xuất ở cấp độ thấp, một dấu hiệu cho thấy họ ưu tiên hơn cho các nhà sản xuất có giá trị cao hơn, ông Frederick Burke, cổ đông chiến lược của công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG