Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, và duy trì được đà tăng trưởng ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
JCER đưa ra hai kịch bản, kịch bản tiêu chuẩn, và kịch bản xấu hơn vì tác động của đại dịch mang lại hệ quả nghiêm trọng hơn, với Hoa Kỳ và Canada chịu tác động nặng nề nhất, cùng với Ấn Độ, Philippines và Indonesia, 3 nước có nhiều công dân làm việc ở nước ngoài, gửi tiền về nước để giúp người thân.
Kịch bản tiêu chuẩn đặt giả thuyết rằng trong 4 hoặc 5 năm nữa, các biến số kinh tế sẽ trở lại xu hướng được chứng kiến trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2029, và tới năm 2035, quy mô kinh tế của Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, có thể đạt 41,8 nghìn tỷ USD, chỉ thua một chút quy mô kinh tế của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại, đạt 42,3 nghìn tỷ USD.
Bài báo đăng tải trên trang mạng asia.nikkei vẽ ra một bức tranh màu hồng về nền kinh tế Việt Nam dựa trên nghiên cứu của JCER, theo đó Việt Nam có thể duy trì đà phát triển ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Vẫn theo JCER, “các điều kiện đó giúp đẩy nền kinh tế Việt Nam qua mặt Đài Loan vào năm 2035 về quy mô, và giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia.
Và theo đà này, Việt Nam có thể được công nhận là một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 11.000 USD vào năm 2035.
Đài Loan tuy là một trong các nền kinh tế thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19, nhưng đà tăng trưởng của đảo quốc này được dự kiến sẽ giảm 1% vào năm 2035 do dân số lão hóa.
Do tác động của đại dịch Covid-19, đà phát triển của nhiều nước sẽ chịu nhiều tổn thất trong năm 2020. Dù đại dịch quét qua hầu hết các nước trên toàn cầu, nhưng không phải nước nào cũng chịu tác động nặng nề ở cùng mức độ như nhau, JCER nói rằng những sự khác biệt mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, trong năm 2020, sẽ dẫn tới những khác biệt đáng kể về quy mô kinh tế của các nước khác nhau trong 15 năm tới.
Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì đà tăng trưởng cộng hàng năm. Đà tăng trưởng của Ấn Độ có phần chắc sẽ giảm mạnh tới âm 10%, trong khi kinh tế Philippines sẽ co cụm hơn 8%. Hong Kong, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế với tốc độ hơn 6%.
Theo phúc trình mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cập nhật ngày 8/10/2020, Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng là 6-7%. Ngân hàng Thế giới nói nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.
(Nguồn: Nikkei, World Bank)