Mở đầu bài diễn văn, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng đương kim chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cám ơn ông Joseph Deiss chủ tịch khóa 65 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về những đóng góp đã giúp cho Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khóa 65 thành công.
Phái đoàn Việt Nam cũng chúc mừng ông Ban Ki-moon được tái đắc cử chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và chào mừng nước Cộng Hòa Nam Sudan trở thành thành viên thứ 193 của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam cho rằng căng thẳng và tranh chấp vẫn tồn tại trên các lục địa và những vùng đất là hậu quả của những khác biệt chưa được giải quyết trong mỗi quốc gia cũng như những đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam cũng nhận xét là những thách đố thế giới gặp phải trong giai đoạn hiện tại như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, khủng bố quốc tế cần phải được đáp ứng một cách hữu hiệu.
Sự hồi phục mong manh của kinh tế thế giới cùng với kinh tế xuống dốc tại nhiều quốc gia đã phát triển làm cho những quốc gia đang phát triển có nguy cơ phải đối đầu với những điều kiện mậu dịch bất bình đẳng nhiều hơn nữa, việc bảo hộ mậu dịch gia tăng, những nguồn tài chánh hao mòn dần, và sự xói mòn những thành quả đã đạt được của những mục tiêu thiên niên kỷ. Những cuộc thương thuyết đa phương về những vấn đề ích lợi chung như tài giảm binh bị và biến đổi khí hậu chưa đạt đến kết quả mong muốn.
Việt Nam cho rằng tình hình hiện nay buộc các quốc gia phải đối thoại và hợp tác để vượt qua những thách đố chung do con người và thiên nhiên đặt ra. Hòa bình, an ninh và ổn định vẫn là đòi hỏi cao độ và tiên quyết cho việc phát triển của các quốc gia. Chìa khóa của thành công nằm trong nỗ lực của mỗi một quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế và đa phương trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc căn bản của luật quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong khi vẫn chú trọng đến quyền lợi chính đáng của mỗi quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển. Trong chiều hướng đó Việt Nam tán đồng chủ đề được chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hiện nay đặt ra là “Giải quyết ôn hòa những tranh chấp”
Việt Nam ca ngợi vai trò của Liên Hiệp Quốc trong sáng kiến giải quyết những vấn đề thế giới cùng quan tâm như giải trừ binh bị, biến đổi khí hậu, Mục tiêu Thiên niên Kỷ.
Việt Nam cho rằng hòa bình và an ninh luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của thế giới, Liên Hiệp Quốc nên tiếp tục có những nỗ lực phối hợp và cố kết để tăng tiến việc giải quyết bằng phương thức ôn hòa những cuộc nội chiến và tranh chấp địa phương tại một số vùng trên thế giới đặc biệt là Bắc Phi và Trung Đông.
Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chấm dứt bạo động và củng cố việc tái thiết quốc gia và hòa giải tại Afghanistan và Iraq. Việt Nam nhấn mạnh việc đã công nhận một quốc gia Palestine vào năm 1988 và luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine về quyền thiết lập một quốc gia độc lập và có chủ quyền chung sống hòa bình với Israel căn cứ trên đường ranh được thiết lập trước tháng 6 năm 1967. Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ những nỗ lực của Palestine để sớm trở thành một quốc gia thành viên với qui chế đầy đủ của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam ủng hộ Liên Hiệp Quốc trong việc triển khai những kết quả của Hội nghị Duyệt xét Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân năm 2011 và hội nghị về an toàn hạt nhân và an ninh để trở thành những kết quả cụ thể, làm sống lại công việc của Hội nghị về Tài Giảm Binh bị và tiến hành những cuộc thương thuyết đa phương về tài giảm binh bị.
Đối với vấn đề kinh tế và tài chánh thế giới, Việt Nam cho rằng những quốc gia đang phát triển phải có vai trò quan trọng hơn vào việc quản trị quốc tế và có thể tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn trong tiến trình toàn cầu hóa. Những quốc gia đã phát triển phải đảm đương nghĩa vụ và cam kết bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào việc thành công của vòng thương thuyết Doha. Bãi bỏ những biện pháp mậu dịch không công bằng và tăng cường trợ giúp phát triển. Việt Nam khuyến cáo Liên Hiệp Quốc triệu tập một Hội nghị tại Đại Hội Đồng hay còn gọi là ECOSOC để theo dõi kết quả của Hội nghị về cuộc Khủng hoảng Kinh tế và Tài chánh Thế giới được tổ chức vào tháng 6 năm 2009.
Việt Nam cũng khuyến cáo Liên Hiệp Quốc nên thi hành những biện pháp để ngăn ngừa việc sử dụng những biện pháp kinh tế đơn phương nhắm vào những quốc gia đang phát triển. Việt Nam mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế nước Cộng Hòa Cuba.
Việt Nam cho rằng chỉ còn 4 năm nữa để thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2015, công cuộc hợp tác toàn cầu cho phát triển cần phải được nới rộng về bề rộng lẫn chiều sâu, để cung cấp cho các quốc gia đang cần đến những kinh nghiệm về chính sách, nguồn lực và các phương thức tốt nhất để thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và duy trì tiến bộ. Cũng quan trọng không kém là bắt đầu triển khai một viễn kiến về phát triển toàn cầu cho thời kỳ hậu 2015. Thế giới cần phải làm việc tích cực hơn để đảm bảo hội nghị COP 17 tại Nam Phi thành công và cuộc gặp gỡ Rio+20 tại Brazil.
Việt Nam cam kết làm việc với các quốc gia thành viên để làm cho Đại Hội Đồng sinh động hơn trong tư cách là một cơ quan thảo luận chính, hoạch định chính sách và đại diện, tăng cường vai trò của ECOSOC trong việc phát triển, và gia tăng thêm số thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cải thiện phương cách làm việc của hội đồng này. Trong nỗ lực góp phần vào những nỗ lực cải tổ Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã tích cực thi hành sáng kiến “Hành động như một” và cùng với Liên Hiệp Quốc và những đối tác khác đạt được những tiến bộ cụ thể.
Việt Nam hoan nghênh việc chấp thuận nghị quyết A/RES/65/281 về việc duyệt xét lại Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam hy vọng hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và những cơ chế nhân quyền khác của Liên Hiệp Quốc tiếp tục cải thiện để trở nên hiệu quả hơn và bền vững trong khi vẫn tiếp tục nhiều hơn vào đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm. Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2016.
Năm 2011 là một năm quan trọng đối với Việt Nam với đại hội đảng lần thứ 11 được tổ chức thành công vào việc bầu các cơ quan nhà nước. Việt Nam cũng chấp thuận chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho thập niên tới. Trong 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt và đã hội nhập vào đời sống quốc tế. Việt Nam đã thiết lập và củng cố những mối quan hệ lâu dài với những quốc gia chính yếu trên thế giới và những trung tâm kinh tế và chính trị trong vùng.
Việt Nam sẽ tiếp tục một chính sách ngoại giao độc lập cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam nhằm vào việc trở thành một thân hữu và đối tác đáng tin cậy đồng thời là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, làm việc vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, hòa bình thế giới, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam sẽ tích cực hội nhập quốc tế, tham gia và đóng góp vào những diễn đàn đa phương quốc tế và trong vùng như Liên Hiệp Quốc, hội nghị ASEAN-châu Âu (ASEM), diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương(APEC) Phong trào Phi Liên kết và Nhóm 77 và Trung Quốc trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu về an ninh hạt nhân, giải trừ hạt nhân, ngăn ngừa tội phạm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và hợp tác sông Mêkong. Hơn nữa Việt Nam muốn chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác thuộc khối quốc gia đang phát triển và hợp tác 3 bên, tài trợ cho phát triển, tăng cường hiệu quả của viện trợ và đưa Mục tiêu Thiên niên Kỷ vào chính mạch của các sách lược xã hội-kinh tế quốc gia.
Việt Nam cũng sẽ làm việc chặt chẽ với các nước ASEAN và các quốc gia liên hệ khác vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển Đông Nam Á, Đông Á và các vùng khác xuyên qua cơ chế của ASEAN và những công cụ khác như Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) Vùng Phi Hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ) Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ sự góp phần vào hòa bình và an ninh tại Biển Đông. Cũng như các nước thành viên khác của ASEAN, Việt Nam mạnh mẽ cam kết vào việc đối thoại và cơ chế xây dựng lòng tin và sẵn sàng ủng hộ và tham dự vào bất cứ nỗ lực nào nhằm tìm cách giải quyết ôn hòa những tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, gồm có công ước 1982 về Luật Biển và chấp nhận được đối với các bên liên hệ. Việt Nam sẽ cùng với các bên liên hệ tôn trọng chặt chẽ Tuyên Bố về Ứng xử Biển Đông (DOC) của các bên liên hệ và hoan nghênh những cam kết được đưa ra để cùng làm việc để hoàn tất một Qui Định về Cách Ứng xử trong một tương lai gần.
Việt Nam tin rằng bằng những nỗ lực chung và tăng cường hợp tác đa phương có thể đáp ứng được những kỳ vọng và hy vọng của nhân dân các quốc gia trên thế giới và định chiều hướng đúng cho sự phát triển lâu dài của Liên Hiệp Quốc.
Tóm lược bài diễn văn của Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam Phạm Bình Minh đọc tại khóa họp thứ 66 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27 tháng 9 năm 2011 tại New York.