Đường dẫn truy cập

Việt Nam yêu cầu Facebook ‘hợp tác chặt chẽ’ với chính quyền


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trong buổi họp với ông Simon Milner-Phó Chủ tịch về Chính sách công tại châu Á-Thái Bình Dương của Facebook.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trong buổi họp với ông Simon Milner-Phó Chủ tịch về Chính sách công tại châu Á-Thái Bình Dương của Facebook.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), gỡ bỏ các thông tin “xấu độc”, ảnh hưởng đến quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phải “có trách nhiệm” với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam.

Đề nghị của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong cuộc họp với ông Simon Milner, Phó Chủ tịch về Chính sách công tại châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN vào chiều 13/9.

Ngoài yêu cầu kiểm soát tài khoản người dùng, các lãnh đạo của Việt Nam còn đốc thúc công ty công nghệ toàn cầu này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, gia tăng áp lực buộc Facebook phải tuân theo Luật An ninh mạng đầy tranh cãi mà Việt Nam mới thông qua hồi tháng 6, theo Reuters.

“Quyền Bộ trưởng (Bộ TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Facebook trên cơ sở kinh doanh thành công tai Việt Nam, thì cũng nên dành một tỷ lệ doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, và sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”, truyền thông Việt Nam đồng loạt cho hay.

Một phát ngôn nhân của Facebook nói với Reuters rằng cô không bình luận gì về thông tin này.

Theo nhận định của hãng thông tấn có trụ sở ở Anh, mặc dù Việt Nam có những cải cách kinh tế sâu rộng và mở cửa cho những thay đổi xã hội, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không chấp nhận sự bất đồng và kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước.

Các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, YouTube… mặc dù chống lại các điều khoản của Luật An ninh mạng yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, nhưng vẫn chưa đưa ra quan điểm cứng rắn đối với các điều khoản nhằm gia tăng đàn áp các hoạt động chính trị trên mạng.

Tuy vậy, cá nhân các quan chức của công ty lại bày tỏ quan ngại rằng các trung tâm dữ liệu và văn phòng tại địa phương có thể giúp cho chính quyền dễ dàng nắm bắt dữ liệu người dùng hơn và đặt nhân viên địa phương trước nguy cơ bị bắt giữ.

Hồi tháng 7, 17 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi các các lãnh đạo công ty Facebook và Google chống lại Luật an ninh mạng, vốn bị các nhà phê bình cho rằng đã trao thêm quyền lực cho nhà nước để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Luật an ninh mạng, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới, quy định rằng Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu phải lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam và mở văn phòng ở trên lãnh thổ Việt Nam.

Một số tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam thu hồi luật này và cho rằng đây là bản sao của Luật An ninh mạng của Trung Quốc.

Đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam, đại diện Facebook nói “sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng để hai bên cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia”, theo Zing.

Tuần trước, quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng lên tiếng trên truyền thông trong nước, nói rằng Việt Nam cần xây dựng mạng xã hội “made in Vietnam” thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook, Google, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đạt bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam, chiếm 60 - 70% thị phần.

VOA Express

XS
SM
MD
LG