Trân Văn
Quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên: Xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách thành viên của đoàn luật sư tỉnh này là một trong những chủ đề được người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam bàn luận rôm rả cả tuần.
Việt Nam có khoảng 10.000 luật sư và ông Đôn là một trong số rất ít luật sư được cả công chúng lẫn báo giới chú ý.
Sau khi tình nguyện bảo vệ quyền lợi cho ông Ngô Thanh Kiều (bị công an tra tấn, ép phải thừa nhận đã trộm cắp nên thiệt mạng hồi tháng 5 năm 2012), ông Đôn được xem như một trong những tác nhân quan trọng, đẩy Viện Kiểm sát thành phố Tuy Hòa đến chỗ phải truy tố năm sĩ quan công an (2013), Tòa án thành phố Tuy Hòa phải đưa cả năm sĩ quan công an ra xử sơ thẩm (tháng 3 năm 2014) và tại phiên xử phúc thẩm diễn ra vào tháng 7 cùng năm, Tòa án tỉnh Phú Yên phải hủy bản án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại vì cả kết luận điều tra, cáo trạng lẫn bản án mà Tòa án thành phố Tuy Hòa từng tuyên đều chưa thỏa đáng...
Giá mà ông Đôn phải trả cho nỗ lực đó là cuối năm 2014, từ Tòa án, Viện Kiểm sát đến Công an thành phố Tuy Hòa cùng ký tên vào một văn bản, gửi Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Võ An Đôn.
Văn bản ấy khiến công chúng và báo giới Việt Nam nổi giận. Áp lực dư luận khiến Sở Tư pháp Phú Yên và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên phải đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp bằng chứng về cái gọi là “sự xúc phạm hệ thống tư pháp của ông Đôn”.
Phản ứng của công chúng, báo giới, các tổ chức luật sư trở thành dữ dội tới mức, đầu năm 2015, ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên kiêm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, phải loan báo, Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” vụ yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên loại bỏ ông Đôn.
Lúc đó, ông Nhất từng cho rằng, những “bằng chứng” mà Tòa án – Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa cung cấp không đủ để chứng minh ông Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính, sau khi phiên tòa kết thúc, ông Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước, quốc tế cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án”. Ông Nhất nhấn mạnh, cả nhận định lẫn cách hành xử như Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an thành phố Tuy Hòa đều không đúng.
Tuy nhiên “phúc bất trùng lai”. Vừa rồi, khi họa đổ xuống, ông Đôn không gặp may như cách nay ba năm.
Ngày 26 tháng 11, không phải hệ thống tư pháp mà chính Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên “khai đao” với ông Đôn. Lý do ông Đôn bị tước tư cách luật sư tuy chẳng khác trước: “ Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước nhằm kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật”, song “án tử” cho ông Đôn về mặt nghề nghiệp gần như không thể cải sửa vì nó rất… đúng qui trình, do chính các đồng nghiệp của ông Đôn quyết định.
***
Có tới 11.000 người chia sẻ sự bất bình của ông Đôn về quyết định của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên trên trang facebook của ông Đôn. Có lẽ con số ấy đủ để giúp hình dung tâm tình của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước sự kiện ông Đôn bị tước quyền hành nghề luật sư – thực hiện ý nguyện bảo vệ dân nghèo, những người cô thế và những người bị lôi đến pháp đình chỉ vì hành xử theo lương tâm.
Đáng lưu ý là trên mạng xã hội, trước sự kiện một đồng nghiệp bị tước quyền hành nghề chỉ vì các phát ngôn, những facebooker trong giới luật sư chia hẳn thành hai phe. Một phe, với những facebooker như Dũng Võ Văn, Nguyễn Văn Hòa cho rằng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên quá hèn – thay vì phải bảo vệ đồng nghiệp thì để lực lượng an ninh dẫn dắt, tác động. Có facebooker như Vu Hai Tran khuyên ông Đôn nên khiếu nại với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về quyết định vô lý ấy. Vu Hai Tran “hy vọng Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ sáng suốt hơn và do không chịu áp lực của các đồng chí nội chính và an ninh địa phương nên sẽ có quyết định đúng đắn, không tạo tiền lệ xấu cho các ông ‘kẹ’ địa phương tìm cách chơi xấu những luật sư mà họ không ưa”.
Ngoài việc góp ý với ông Đôn trên trang facebook của ông Đôn, trên trang facebook riêng của mình, Vu Hai Tran kêu gọi các luật sư lên tiếng bảo vệ ông Đôn. Lời kêu gọi ấy bị một số facebooker là luật sư phản đối. Người phản đối đầu tiên là Trần Đình Triển, facebooker này đăng một tấm ảnh ông Đôn, kèm một nhận định của ông Đôn về giới luật sư Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, luật sư không có vai trò gì với công lý, chỉ là vật trang trí cho phiên xử trở thành “đẹp”, luật sư Việt Nam chỉ có vai trò duy nhất là “cò chạy án” để lừa người dân lấy tiền... Facebooker Trần Đình Triển cho rằng, ông Đôn nên nhìn “họa” của ông một cách khách quan, nếu có lỗi thì phải nhận, nhờ vậy, may ra sẽ được giảm nhẹ mức kỷ luật. Không nhận lỗi mà còn hô hào “ném đá” thì khó mà thay đổi tình thế.
Facebooker Trần Thu Nam nhắc lại sự kiện giới luật sư tham gia bảo vệ ông Đôn hồi ông lâm nạn năm 2015 và nhận định, lần này, sẽ không một luật sư nào ở Liên đoàn Luật sư Việt Nam bênh vực ông nữa vì ông… “loạn ngôn”, xúc phạm toàn bộ giới luật sư.
Dù cũng nhận định rằng ông Đôn đã nói, viết nhiều điều gây tổn thương cho nhiều đồng nghiệp và chính mình không tán thành nhiều điều ông Đôn nói và viết nhưng facebooker Nguyễn Hà Luân khẳng định, sẽ cùng các đồng nghiệp làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ ông Đôn. Theo Nguyễn Hà Luân, đó không phải vì cá nhân ông Đôn mà vì lợi ích chung của giới luật sư, trong đó có cả Nguyễn Hà Luân.
***
Rõ ràng so với năm 2015, bây giờ ông Đôn lâm nạn và thất thế chẳng phải chỉ vì hệ thống tư pháp thấy phiền mà còn vì làm mích lòng nhiều đồng nghiệp.
Ông Đôn có khinh miệt giới luật sư khi cho rằng, luật sư Việt Nam chỉ là “vật trang trí”?
Tại Việt Nam, chuyện các viên chức tư pháp miệt thị giới luật sư không có gì lạ và chẳng có gì mới. Tình trạng này đã kéo dài suốt từ khi Việt Nam tái lập định chế luật sư (1987) đến nay và báo giới đã dùng không biết bao nhiêu giấy mực để kể về điều đó.
Năm 2011, tờ Pháp Luật TP.HCM từng đăng một loạt bài ba kỳ kể về những chuyện cười ra nước mắt của giới luật sư khi các viên chức của hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) cố tình làm cho họ bẽ mặt (Buộc phải xuất trình “căn cước” trước tòa, mới cho bào chữa. Công tố viên không thèm tranh luận mà chỉ kết luận gọn bâng: Luật sư không có trình độ! Khi luật sư trình bày bài bào chữa, một thẩm phán bỏ ra ngoài, hai thẩm phán còn lại quay sang trò chuyện với nhau)
Loạt bài “Nâng cao vị thế luật sư” mà tờ Pháp Luật TP.HCM thực hiện vốn nằm trong một đợt tuyên truyền về nỗ lực cải cách tư pháp (bắt đầu từ 2002) mà theo giới thiệu thì sẽ bắt chước thiên hạ, loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa công tố viên (nhân danh hệ thống công quyền, bảo vệ trật tự và lợi ích chung) với luật sư (nhân danh cá nhân, bảo vệ các quyền căn bản của một con người). Tuy nhiên đúng 15 năm sau khi Đảng CSVN tuyên bố cải cách tư pháp, tháng 2 năm 2017, nhiều luật sư Việt Nam mới có cơ hội bày tỏ sự sung sướng khi “được ngồi ngang hàng với công tố viên”.
Liệu việc “được ngồi ngang hàng với công tố viên” có đủ để chứng minh là ông Đôn “loạn ngôn”?
Ngày 27 tháng 3 năm nay, tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đề nghị giới hữu trách tỉnh Lâm Đồng xem xét – xử lý Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương miệt thị giới luật sư. Khi trò chuyện với một bị can nhờ luật sư này bào chữa, Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương khuyên thân chủ của luật sư Quân xem lại chuyện thuê luật sư vì thuê luật sư có lợi hay không thì ai cũng biết. Viên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương còn nói thêm, có trường hợp Hội đồng xét xử chỉ dự trù phạt chung thân nhưng vì luật sư cãi tầm bậy, tầm bạ mà cuối cùng tuyên tử hình.
Khi Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Lạc Dương vẫn vô sự, sự giận dữ của nhiều luật sư Việt Nam dành cho ông Đôn có giống “giận cá, chém thớt?
Thiên hạ thường chỉ đi tìm luật sư khi đối diện với tình huống ngặt nghèo. Lúc cần được hỗ trợ, một trong những điều đầu tiên mà thiên hạ phải nghe từ luật sư là “tiền đâu”? Đó là chuyện đương nhiên vì nếu không, luật sư làm sao có thể đeo đuổi nghề nghiệp nhưng cũng vì vậy, thiên hạ có nhiều ngạn ngữ chẳng hay ho chút nào về giới luật sư: Cái túi của một luật sư là cái miệng của địa ngục (Ngạn ngữ Ấn). Luật sư chỉ nhìn bạn bằng một mắt và nhìn túi bạn bằng hai mắt (Ngạn ngữ Jamaica). Trừ khi hỏa ngục chật cứng còn không thì chẳng luật sư nào thoát (Ngạn ngữ Pháp)… Có hàng chục ngạn ngữ kiểu như thế được đăng trên trang web của một Văn phòng Luật sư tại Việt Nam. Chẳng lẽ giới thiệu những ngạn ngữ như thế cũng là một sự miệt thị giới luật sư?
Thực tế từ xưa đến nay cho thấy, dù có thiện cảm hay không, xã hội nào cũng cần luật sư. Không ít luật sư đã trở thành chính khách, thậm chí là nguyên thủ của nhiều quốc gia. Dân chúng ký thác niềm tin vào những luật sư này vì họ hiểu tường tận các nguyên tắc vận hành một guồng máy sao cho công bằng và sẽ tranh đấu đến cùng để bảo vệ các nguyên tắc ấy.
***
Không phải tự nhiên mà Ernest Hemingway – một nhà văn Mỹ ở thế kỷ 20 , dùng ý tưởng của John Donne – một nhà thơ Anh ở thế kỷ 17, làm lời đề dẫn cho tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình, mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể, nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai - chuông nguyện hồn anh đấy”!
Không phải tự nhiên mà nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau thường trích dẫn một câu mà Evelyn Beatrice Hall viết trong The Friends of Voltaire (1906): Tôi không đồng ý với những điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói những điều đó của anh.
Không phải tự nhiên mà đến bây giờ, khi sắp hết thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhiều người Việt vẫn cảm thấy ngậm ngùi trước một nhận định của Tản Đà vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 20 trong Mậu Thìn xuân cảm: Dân 25 triệu ai người lớn? Nước 4.000 năm vẫn trẻ con!