Đường dẫn truy cập

Vợ Litvinenko: Vụ đầu độc chồng tôi là ‘tội ác được nhà nước bảo trợ’


Bà Marina Litvinenko phát biểu tại trụ sở của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
Bà Marina Litvinenko phát biểu tại trụ sở của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.

Người vợ góa của Alexander Litvinenko, cựu điệp viên Nga bị đầu độc chết ở London hồi năm 2006, nói một cuộc điều tra của Anh mới hoàn tất hồi gần đây cho thấy nhà nước Nga đứng đằng sau vụ sát hại chồng bà, và rằng những cuộc điều tra của ông nhắm vào những mối quan hệ bị cáo buộc của Điện Kremlin với tội phạm có tổ chức của Nga có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong quyết định hạ sát ông.

Phát biểu hôm thứ Hai tại trụ sở của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thủ đô Washington của Mỹ, bà Marina Litvinenko nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc điều tra của Anh do ông Robert Owen, một thẩm phán đã về hưu của Tòa án Tối cao Anh, dẫn dầu và kết thúc vào tháng 1.

Bà nói ông Owen đã làm việc "rất tường tận."

"Ông ấy không chỉ điều tra tất cả những dữ kiện về cái chết của Sasha (Alexander Litvinenko). Ông ấy còn tìm thấy mối liên kết của vụ giết người này với nhà nước Nga. Nhà nước Nga bảo trợ tội ác này."

Ông Owen kết luận có "xác suất lớn" là hai người đàn ông mà nhà chức trách Anh cáo buộc đầu độc ông Alexander Litvinenko bằng chất phóng xạ polonium-210 tại một khách sạn ở London vào tháng 11 năm 2006, Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun, đã hành động "dưới sự chỉ đạo" của Tổng cục An ninh Liên bang (FSB), cơ quan an ninh chính của Nga. Cả hai người đàn ông đều phủ nhận sự dính líu trong cái chết của ông Litvinenko.

Thẩm phán đã về hưu người Anh cũng kết luận rằng vụ hạ sát ông Litvinenko "có lẽ đã được chuẩn thuận" bởi Cục trưởng FSB khi đó là Nikolai Patrushev và Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Alexander Litvinenko từng làm việc nhiều năm cho KGB, cơ quan tình báo của Liên bang Soviet, và sau đó là FSB. Ông bắt đầu lên tiếng chống lại tình trạng tham nhũng cao cấp trong chính phủ Nga. Ông cũng đưa ra một số lời buộc tội nhắm vào Tổng thống Putin. Sau đó ông được tị nạn ở Anh với gia đình.

Bà Marina Litvinenko nói cuộc điều tra của chồng bà về những mối quan hệ bị cáo buộc giữa Điện Kremlin và mafia Nga có thể đã đưa tới quyết định thủ tiêu ông ta.

London đã kêu gọi dẫn độ cả hai ông Lugovoi, người được bầu vào Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) vào năm 2007, và ông Kovtun, một doanh nhân, nhưng Moscow khước từ. Hiến pháp Nga cấm dẫn độ công dân của họ để xét xử ở nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG