Sau khi đáp máy bay từ Đức về Sài Gòn vào sáng ngày 21/2, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu.
Vào tháng trước, bà Thanh và một số thân nhân của các tù nhân lương tâm Việt Nam trong Hội Anh em Dân chủ vừa có chuyến tham dự chương trình Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam (UPR) tại Geneva, Thụy Sĩ và gặp gỡ giới chức Đức.
Từ Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cho VOA biết:
“Chị Kim Thanh về đến Tân Sơn Nhất khoảng 7 giờ sáng thì bị nhân viên của Bộ Công an và an ninh sân bay giữ lại để thẩm vấn về việc chị sang Đức và Thụy Sĩ. Họ hỏi đi đâu, làm gì, gặp ai. Họ xem những bức ảnh trên Internet và hỏi quan hệ giữa chị và những người trong ảnh…
“Sau khoảng 5 tiếng bị giữ lại và thẩm vấn, họ trả tự do cho chị, nhưng họ tịch thu hộ chiếu với lý do là chị thuộc diện bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia.”
Hội Anh em Dân chủ hôm 21/2 lên tiếng trong một thông cáo: “việc an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tùy tiện câu lưu chị Nguyễn Thị Kim Thanh, đã phản ánh sự vô pháp luật, và thực trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm:
“Những người hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước phần lớn đều bị cấm xuất cảnh. Một số vẫn được phép xuất cảnh nhưng khi quay về thì bị câu lưu trong nhiều giờ… Một số bà vợ của các tù nhân lương tâm cũng bị như vậy, họ đi vận động tự do cho chồng cũng bị thẩm vấn.
“Việc này vi phạm ngay chính Hiến pháp của Việt Nam vì các mối quan hệ khi đi ra nước ngoài là mối quan hệ riêng của của người dân. Điều 26 của Hiến pháp bảo mật đời sống riêng tư của người dân. Việc họ hỏi, chất vấn các mối quan hệ đó là không đúng. Việc tạm giữ người như vậy là vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Trước khi bị bắt, tù nhân lương tâm Trương Minh Đức là Phó Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, là một người tích cực viết báo chống tham nhũng, lên án tình trạng lạm quyền tại Việt Nam.
Ông Trương Minh Đức bị bắt hồi tháng 07/2017 cùng với các lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ. Sau đó, ông bị tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế, trong một phiên tòa hồi tháng 04/2018.
Bản thân bà Thanh cũng là một nhà hoạt động xã hội. “Mặc dù thường xuyên bị sách nhiễu, nhưng bà đã rất mạnh mẽ tham gia gặp gỡ các Đại sứ quán, nhiều cuộc vận động ngoại giao để lên án thực trạng nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền tại Việt Nam,” Hội Hội Anh Em Dân Chủ cho biết.
Chuyến vận động gần đây nhất là sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) diễn ra tại Geneva ngày 21 & 22/01/2019. Ngoài ra, bà Thanh còn tham gia gặp gỡ đại diện của Bộ Ngoại giao Đức để vận động chính quyền Berlin kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà tranh đấu đang bị cầm tù.