Đường dẫn truy cập

Tất yếu của ‘gu gờ’ và ‘bê… bê tê bốc’


Hình trên Tễu Blog.
Hình trên Tễu Blog.

Clip ghi lại một phần phát biểu của tướng Võ Trọng Việt, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, hiện đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14 , thuyết minh lần cuối cho Đự luật về An ninh mạng, chỉ có 16 giây…

Trong 16 giây ấy, người ta thấy tướng Việt cặm cụi đọc một tờ giấy với nỗ lực phi thường và từ miệng của ông, từng chữ tuần tự bật ra: Hiện nay, gu gờ và pê… pê tê bốc đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Nếu qui định của luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi

Tuy chỉ có 16 giây nhưng chừng đó chắc đủ để nhiều người Việt, trong đó có không ít chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học kỹ thuật, các tổ chức của doanh giới, của những người cùng một nghề nghiệp – đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông,… cảm thấy thương thân!

***

“Gu gờ” và “bê… bê tê bốc” cùng với khẳng định về… tính khả thi của việc… dịch chuyển “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” đủ để vô hiệu hóa tất cả những phân tích nhằm can ngăn, những cảnh báo nhằm thúc giục hệ thống công quyền Việt Nam hướng nỗ lực của họ vào việc bảo vệ an ninh máy tính và an toàn Internet.

Theo tính toán của các chuyên gia, năm 2016, tổn thất do tin tặc gây ra đối với máy tính và Internet tại Việt Nam vào khoảng 10.400 tỉ đồng. Sang năm 2017, mức độ tổn thất được ước đoán là 12.300 tỉ đồng, tương đương 540 triệu Mỹ kim. Đáng lưu ý là số lượng các cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính và Internet tại Việt Nam càng ngày càng cao.VnCert ước đoán, năm ngoái, có ít nhất là 10.000 cuộc tấn công vào hệ thống máy tính và Internet của Việt Nam

Chẳng riêng các cơ quan, tổ chức chuyên về bảo vệ an ninh máy tính và an toàn Internet trong nước, các cơ quan, tổ chức tương tự của nhiều quốc gia cũng đã từng cảnh báo: Tin tặc Trung Quốc càng ngày càng táo tợn. Gần như toàn bộ các cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính và Internet tại Việt Nam trong thập niên vừa qua đều do tin tặc Trung Quốc thực hiện. Những cuộc tấn công này không chỉ nhằm dằn mặt người sử dụng máy tính, Internet tại Việt Nam vì đã chỉ trích Trung Quốc mà còn xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, khống chế mạng máy tính, các website thuộc hệ thống công quyền tại Việt Nam.

Bởi an ninh máy tính, an toàn Internet liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia, chi phối tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kể cả quốc phòng, trật tự - trị an nên giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần một bộ luật để giải quyết vấn nạn nghiêm trọng này.

Tuy nhiên nội dung Dự luật về An ninh mạng làm nhiều giới, nhiều người chưng hửng.

Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học kỹ thuật, các tổ chức của doanh giới, của những người cùng một nghề nghiệp – đặc biệt là những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông,… đã liên tục khuyến cáo rằng, nếu Dự luật về “An ninh mạng” trở thành luật, một số quy định sẽ khiến chi phí của các doanh nghiệp gia tăng, vừa làm giảm sự hấp dẫn của thị trường, vừa có thể khiến Việt Nam gặp thêm rắc rối do vi phạm các cam kết quốc tế. Chưa kể GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,7% GDP và đầu tư nước ngoài sẽ giảm 3,1%.

Ngay cả những người mà quyền lợi gắn chặt với sự tồn vong của chính thể hiện hành như các ông: Đặng Hữu (cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ), Chu Hảo (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ), Mai Liêm Trực (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an) – những người được báo giới Việt Nam ví von là các “nguyên lão” của lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông tại Việt Nam (tham gia thẩm định, chuẩn bị để đưa Internet vào Việt Nam hồi thập niên 1990) – cũng cảm thấy bất an. Tuần trước, cùng ký tên vào một thư ngỏ, gửi các đại biểu của Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, đề nghị loại bỏ năm điều: 24, 26, 38, 39, 40 ra khỏi Dự luật về “An ninh mạng”.

Theo họ, an ninh mạng là cuộc chiến kỹ thuật nhưng Dự luật về “An ninh mạng” chẳng những chẳng giúp gì cho việc bảo vệ an ninh máy tính, Internet mà còn có thể kéo lùi sự phát triển của Internet, của kinh tế số và xã hội thông tin tại Việt Nam. Cũng theo họ, Dự luật về “An ninh mạng” xâm hại quyền dân sự, chính trị của công dân, thu hẹp quyền tiếp cận, cơ hội sử dụng Internet để học hành, nghiên cứu, kinh doanh, trao đổi thông tin, hạn chế tự do Internet, đặt công dân trước rủi ro vi phạm pháp luật và bị kiểm tra, nhũng nhiễu bởi lực lượng chuyên trách an ninh mạng.

Do chuyện phòng thủ máy tính, bảo vệ an toàn Internet là “cuộc chiến thông minh, đòi hỏi am hiểu cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn pháp lý”, ông Hữu, ông Hảo, ông Liêm, ông Toàn đề nghị Quốc hội giao Dự luật về “An ninh mạng” cho Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm tra…

***

Thế nhưng ngày 12 tháng 6, Dự luật về “An ninh mạng” do Bộ Công an lãnh trách nhiệm chủ trì công việc soạn thảo và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam tiến hành thẩm tra vẫn được 86,86% đại biểu Quốc hội tán thành. Nói cách khác, có tới 86,86% đại biểu của Quốc hội Việt Nam nhất trí với quyết tâm… kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam”, dứt khoát không để “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu bên… ngoài Việt Nam!

Không rành tiếng Anh, phát âm sai những từ của một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ chẳng có gì là đáng xấu hổ và tất nhiên không nên chê trách. Mặt khác không thể đòi buộc tất cả mọi người phải có đủ kiến thức về công nghệ thông tin, viễn thông, thành thạo trong việc sử dụng máy tính, thiết bị số, Internet,… Tìm biết hay không là quyền của mỗi cá nhân. Không biết gì cả cũng chẳng có gì sai. Sở dĩ “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” khiến người ta cảm thấy thương thân vì ông Việt là người đứng đầu nhóm…. thẩm tra Dự luật về An ninh mạng. Tương tự, người ta thấy tội nghiệp những người trăn trở cho tương lai, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam không phải vì họ thất vọng bởi Dự luật về An ninh mạng đã thành luật mà vì có tới 423 cá nhân “nhất trí” với ý tưởng đầy tham vọng… “kéo “đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam” và 423 cá nhân ấy đều là… đại biểu cho dân chúng Việt Nam tại Quốc hội!

Việt Nam đã có luật về an ninh mạng. An ninh máy tính, an toàn Internet vẫn bị uy hiếp nghiêm trọng, các thiệt hại đủ dạng từ những cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc chắc sẽ tiếp tục gia tăng. Kinh tế chắc sẽ tiếp tục điêu đứng vì Luật An ninh mạng sẽ tạo thêm đủ loại chi phí và doanh giới càng lúc càng chật vật bởi khả năng, cơ hội cạnh tranh tiếp tục giảm.

Xem xong clip 16 giây, nhiều người buột miệng phán đoán, “gu gờ” mà tướng Việt đề cập hẳn là “google”, “bê… bê tê bốc” đích thị là… “facebook”. Phán đoán như thế là dại vì vi phạm pháp luật. Với Luật An ninh mạng, những phán đoán này có thể bị cáo buộc là “xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo”, thậm chí là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “thực hiện chiến tranh tâm lý, kích động chống chính quyền nhân dân”…

“Gu gờ” là… “gu gờ”, “bê… bê tê bốc” là… “bê… bê tê bốc”, không hiểu thì phải hỏi tướng Việt hoặc hỏi 423 đại biểu đã tán thành việc biến Dự luật về An ninh mạng thành… luật! Đã có “cách mạng là tất yếu của lịch sử”, giờ có thêm “luật an ninh mạng là tất yếu của… gu gờ, bê… bê tê bốc” thì cũng… bình thường thôi!

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG