Các đại diện thương mại hàng đầu từ Canada, Mexico và Hoa Kỳ theo lịch trình hôm thứ Hai sẽ cập nhật về tiến trình tái thương thuyết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trong khi những người nắm rõ tiến trình này nói rằng một thỏa thuận cuối cùng có thể bị đẩy lùi, lâu sau ngày được chọn làm mục tiêu trong tháng 3.
Ba nước trước đó đã cố gắng hoàn tất các cuộc đàm phán trước cuối năm 2017, nhưng đã trì hoãn hạn chót không chính thức trong khi họ nỗ lực tìm kiếm những điểm chung ở một số vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Vòng đàm phán mới nhất tại Montreal bao gồm thương thuyết về một cơ chế giải quyết tranh chấp, và các quy định cho ngành sản xuất xe hơi.
Mỹ muốn loại bỏ phần lớn các ban giải quyết tranh chấp và tăng tỉ lệ hàm lượng sản phẩm của Mỹ cần phải có trong một chiếc xe. Mỹ cũng đề xuất một điều khoản mà nếu được áp dụng, sẽ kết thúc hiệp định thương mại này sau năm năm, trừ phi cả ba nước đều đồng ý giữ lại hiệp định.
Dân biểu Mỹ Dave Reichert bày tỏ sự lạc quan hôm Chủ nhật sau khi ông và một nhóm nhà lập pháp khác gặp đại Điện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Ông nói ông Lighthizer bày tỏ "hy vọng" trong khi cũng thừa nhận rằng "còn rất nhiều việc cần phải làm."
Nhà thương thuyết chính của Canada Steve Verheul hôm thứ Bảy nói: "Chúng tôi đang tiến theo hướng tích cực hơn một chút."
Ông Lighthizer hôm thứ Hai sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo để xem xét tiến bộ mà đội ngũ của ba nước đã đạt được và báo cáo về tình trạng của các cuộc đàm phán.
Một lý do khiến ba nước muốn kết thúc đàm phán vào tháng 3 là cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào tháng 7.
Một vòng đàm phán khác dự kiến sẽ bắt đầu tại Mexico City trong khoảng một tháng nữa. Tói cuối tháng 3 mà không có thỏa thuận thì mục tiêu đó có thể lùi xa hơn nữa trong năm 2018, gây gián đoạn cho tiến trình thương thuyết vì cuộc bầu cử ở Mexico và những cân nhắc tương tự quanh các cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ vào tháng 11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu không có những thay đổi có lợi cho Mỹ.